Lựa chọn tên thương hiệu hấp dẫn không chỉ giúp cho các nỗ lực truyền thông của bạn dễ dàng và hiệu quả hơn mà hơn thế nữa một tên thương hiệu hấp dẫn cũng sẽ đóng góp không nhỏ để biến thương hiệu thành một tài sản có giá trị. Bài viết này chia sẻ với bạn những tiêu chí để lựa chọn tên thương hiệu.
Một tên thương hiệu tốt thường phải thỏa mãn 7 tiêu chí dưới đây :
1. Ngắn gọn
Nếu bạn muốn khách hàng nhớ được tên thương hiệu của mình thì nó phải ngắn gọn. Đúng vậy, dễ nhớ có nghĩa là phải ngắn gọn. Nếu bạn có một cái tên như công ty kiểm toán của Anh PricewaterhouseCoop .. (sorry, vì tôi không nhớ nổi) thì hãy xem lại nhé.
2. Dễ đọc
Hãy đảm bảo rằng tên của bạn phải dễ đọc. Dù rằng một số thương hiệu nổi tiếng là những cái tên nước ngoài nhưng chúng ta vẫn đọc được nó một cách dễ dàng : Coca-cola, Pepsi, Apple, Sony, Samsung, Omo, Viso … Nếu một cái tên khó đọc, đồng nghĩa với việc chúng ta đang dựng hàng rào ngăn cản khách hàng lựa chọn thương hiệu. Hãy tưởng tượng tôi và bạn sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để nhớ thương hiệu mỹ phẩm Schwarzkopf. Mặc dù biết đến nó, nhưng tôi chẳng bao giờ mua sản phẩm của hãng, vì đơn giản là không thể đọc được tên thương hiệu.
3. Độc đáo
Một thương hiệu muốn được nhớ đến thì phải độc đáo. Nếu cái tên chỉ bình thường đại loại như « Vina + gì đó», « Thời trang Việt », « Mỹ phẩm Việt »,« Trang sức Việt » … thì nó sẽ nhanh chóng chìm vào hàng chục thương hiệu tương tự. Hãy chọn cho mình một cái tên khác biệt, độc đáo. Chẳng hạn, khi ngành kinh doanh máy tính đặt những cái tên rất chuyên nghiệp, trịnh trọng như IBM, DEC … thì một cái tên Apple nghe chả có gì liên quan. Nhưng chính sự không liên quan đó làm cho Apple trở nên độc đáo và thành công.
4. Ngôn ngữ phù hợp
Bạn định chọn tên bằng tiếng Việt hay tiếng Anh ? Hay một ngôn ngữ nào khác ? Hãy nhớ rằng điều đó phụ thuộc vào bạn đang kinh doanh sản phẩm gì ? Nó dành cho ai ? Nếu bạn định kinh doanh một spa cao cấp bạn có thể chọn tên là Venus Spa. Vì tên tiếng Anh này phù hợp với đối tượng khách hàng của bạn. Còn nếu bạn kinh doanh một nhà hàng dành cho mọi đối tượng thực khách thì « Quán ăn ngon » sẽ là một lựa chọn khôn ngoan hơn so với « All Smiles Restaurant ».
(* Lưu ý : những cái tên này nêu trong bài này chỉ là ví dụ tôi nghĩ ra, bạn không nên lầm tưởng với những thương hiệu có trong thực tế).
5. Liên quan đến sản phẩm / dịch vụ
Tên phải có chút gì liên quan đến sản phẩm hay ngành hàng mà bạn đang định kinh doanh. Hoặc nó cũng phải gợi liên tưởng đến ngành hàng của bạn. Ví dụ, nếu bạn kinh doanh các sản phẩm đồ gia dụng bạn có thể nghĩ đến thương hiệu : HappyCook, WifeMate hoặc Coolmom … chứ nếu bạn chọn một tên gì đó chả liên quan như Hupoditus chẳng hạn, bạn sẽ lãng phí một cơ hội tiếp cận khách hàng qua tên thương hiệu.
6. Có khả năng bảo hộ nhãn hiệu
Điều này quá quan trọng, nó quan trọng đến nỗi bạn sẽ phải hy sinh rất nhiều các phương án tên thương hiệu hấp dẫn và phù hợp để đảm bảo tên được chọn có khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Ngày nay, ai cũng ý thức bảo vệ thứ tài sản vô hình này nên bạn phải lựa chọn tên một cách cẩn trọng để tránh tranh chấp sở hữu trí tuệ sau này. Cách tốt nhất là nhờ một chuyên gia tư vấn về sở hữu trí tuệ kiểm tra xem tên của bạn có khả năng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa hay không trước khi lựa chọn chính thức.
7. Có khả năng đăng ký tên miền
Có gì lạ trong tiêu chí này không ? Câu trả lời là không bạn ạ. Xây dựng thương hiệu ngày nay đã khác rất nhiều. Bạn không chỉ lo những kênh truyền thông, tiếp thị truyền thống mà truyền thông trực tuyến (qua website và các phương tiện điện tử) cũng là một mặt trận hết sức nóng bỏng. Hãy đảm bảo bạn có thể sở hữu một tên miền trùng với tên thương hiệu. Giả sử với thương hiệu LogoArt, hoàn hảo nhất là tôi có thể sở hữu cả bộ 3 tên miền LogoArt.com ; LogoArt.vn và LogoArt.com.vn nhưng vì tên miền LogoArt.com đã có chủ sở hữu nên sự lựa chọn của tôi với 2 tên miền Việt Nam cũng là tạm chấp nhận được.
Với những kinh nghiệm thực tế, tôi nghĩ rằng đây là những tiêu chí hết sức quan trọng trong việc lựa chọn thương hiệu cho doanh nghiệp. Bạn có muốn đóng góp thêm tiêu chí gì không ? Hãy chia sẻ ở phần Nhận xét nhé.
Tác giả:
Nguyễn Tuấn Hùng , Brand Strategy Consultant
Công ty Tư vấn và Sáng tạo Thương hiệu Sao Kim
Nguồn tham khảo: Sao Kim Branding
Chuyên gia hàng đầu về thiết kế logo
Xem thêm những bài viết khác: