Một thương hiệu mạnh không chỉ cần duy trì hình ảnh và giữ vững vị thế của thương hiệu trên thị trường mà còn phải chú trọng đến quá trình phát triển thương hiệu, nhằm tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp và khách hàng.
Bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, điều chỉnh và phát triển thương hiệu phù hợp với xu hướng thị trường và nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.
Vậy khi nào cần phát triển thương hiệu?
Bài viết này sẽ giúp các Brand Manager nắm bắt được các chiến lược phát triển thương hiệu giúp tối đa hoá lợi thế cạnh tranh và củng cố vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

1. Khi nào doanh nghiệp cần phát triển thương hiệu?
Phát triển thương hiệu là một quá trình chiến lược lâu dài nhằm phân biệt hình ảnh, sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa ra sự điều chỉnh hoặc cải tiến một cách hiệu quả.
Nhận diện đúng thời điểm để phát triển thương hiệu có thể giúp doanh nghiệp tồn tại và vững mạnh trong một thị trường đầy biến động.
1.1 Khi mở rộng thị trường
Khi doanh nghiệp quyết định mở rộng sang thị trường mới, việc phát triển thương hiệu trở nên cần thiết để phù hợp với nhu cầu và xu hướng của thị trường, thích ứng với văn hóa địa phương, thị hiếu của khách hàng và các quy định pháp lý tại địa bàn mới.
1.2 Khi đa dạng hóa sản phẩm/ dịch vụ
Doanh nghiệp cần phát triển thương hiệu khi đưa ra thị trường các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, đảm bảo rằng các sản phẩm mới được liên kết chặt chẽ với thương hiệu chính hoặc phát triển một thương hiệu phụ hoàn toàn mới nhằm mục đích định vị riêng biệt trên thị trường.
1.3 Khi thương hiệu hiện tại không còn phù hợp
Thương hiệu cần được cập nhật để phản ánh chính xác hơn mục tiêu, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp khi có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh, ví dụ như sau một sự kiện sáp nhập, mua lại hoặc khi doanh nghiệp thay đổi hướng đi chiến lược.
1.4 Khi thương hiệu gặp khủng hoảng
Trong trường hợp thương hiệu đang đối mặt với các vấn đề tiêu cực, như suy giảm uy tín do scandal hoặc đánh giá tiêu cực từ công chúng, phát triển thương hiệu lại trở thành một yếu tố thiết yếu để phục hồi hình ảnh và xây dựng lại niềm tin với khách hàng.
1.5 Khi công nghệ và xu hướng thị trường thay đổi
Sự thay đổi trong công nghệ và xu hướng tiêu dùng có thể khiến hình ảnh thương hiệu hiện tại trở nên lỗi thời. Việc làm mới, phát triển thương hiệu sẽ giúp tăng sự chú ý và nhận diện từ công chúng mục tiêu, là yếu tố cần thiết để duy trì sự cạnh tranh.
2. Ưu điểm và nhược điểm của việc phát triển thương hiệu
Phát triển thương hiệu là một quyết định chiến lược mà mọi doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai. Dưới đây là những ưu và nhược điểm cụ thể của việc phát triển thương hiệu giúp các Brand Manager và doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định sáng suốt.
2.1 Ưu điểm khi phát triển thương hiệu
- Tăng nhận diện thương hiệu: Đầu tư vào phát triển thương hiệu giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và ghi nhớ thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.
- Tăng lợi thế cạnh tranh: Thương hiệu mạnh tạo ra một lợi thế cạnh tranh bền vững, khiến cho các đối thủ khó có thể bắt kịp do đã gắn bó chặt chẽ với nhận thức của khách hàng về giá trị sản phẩm/dịch vụ.
- Nâng cao giá trị thương hiệu: Giúp thương hiệu trở nên có giá trị hơn và thu hút đầu tư, thúc đẩy khách hàng gắn bó lâu dài với thương hiệu và quay lại mua hàng nhiều lần.
- Tiếp cận các phân khúc khách hàng mới: Phát triển thương hiệu cho phép doanh nghiệp mở rộng sang các thị trường mới hoặc khai thác các phân khúc thị trường chưa được tận dụng, góp phần tăng trưởng doanh thu.
- Giảm rủi ro trong kinh doanh: Phát triển thương hiệu, đa dạng hoá làm giảm sự phụ thuộc vào một thị trường hoặc sản phẩm cụ thể, từ đó hạn chế rủi ro kinh doanh.
- Đa dạng hoá sản phẩm/dịch vụ: Thương hiệu mạnh giúp doanh nghiệp dễ dàng ra mắt sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện tại, nhờ vào sự tin tưởng và lòng trung thành mà khách hàng đã có sẵn.
2.2 Nhược điểm khi phát triển thương hiệu
- Chi phí đầu tư cao
Việc phát triển thương hiệu đòi hỏi chi phí cao cho việc nghiên cứu, các chiến dịch Marketing, quảng cáo và quản lý thương hiệu. Đây là khoản đầu tư đáng kể, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới khởi nghiệp, và có thể mất một thời gian dài mới thấy được kết quả.
- Rủi ro về uy tín thương hiệu
Nếu chiến lược phát triển thương hiệu không được thiết kế hoặc triển khai một cách cẩn thận, có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực như mất uy tín thương hiệu trong mắt công chúng. Việc khôi phục thương hiệu sau sự cố có thể tốn kém hơn nhiều.
- Sản phẩm/ dịch vụ mới không được chấp nhận
Thương hiệu mở rộng có rủi ro sản phẩm mới không được thị trường đón nhận như mong đợi. Điều này không chỉ gây thất vọng mà còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh chung của thương hiệu hiện tại.
- Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt
Việc phát triển thương hiệu có thể đối mặt với nhiều cạnh tranh từ những thương hiệu khác trên thị trường và sự phản ứng đến từ các đối thủ trong ngành. Hiệu quả của việc phát triển thương hiệu có thể không thấy ngay lập tức mà cần thời gian dài để xây dựng nhận thức và lòng tin của khách hàng.
3. Vai trò của Brand Manager trong việc phát triển thương hiệu
Brand Manager đóng một vai trò trung tâm trong việc định hình và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Dưới đây là các nhiệm vụ chính mà một Brand Manager cần thực hiện để đảm bảo sự thành công của các chiến lược phát triển thương hiệu.
3.1 Nghiên cứu và xác định chiến lược phát triển thương hiệu
Trước khi tiến hành phát triển thương hiệu, Brand Manager cần nghiên cứu sâu về thị trường mục tiêu để hiểu rõ nhu cầu, thị hiếu và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc tiếp nhận thương hiệu.
Xác định vị trí thương hiệu trong thị trường mới, đảm bảo rằng nó mang lại giá trị độc đáo và khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.
Xác định chiến lược thương hiệu là quá trình lên kế hoạch chi tiết về cách thức thương hiệu tương tác với khách hàng. Chiến lược này cần phải linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi của thị trường và phản hồi của khách hàng.
3.2 Quản lý và điều phối các hoạt động phát triển thương hiệu
Brand Manager phụ trách điều phối và quản lý tất cả các hoạt động truyền thông Marketing nhằm đảm bảo tất cả các chiến dịch phù hợp và hướng đến mục tiêu chung phát triển thương hiệu.
Sau khi đã lên kế hoạch, việc triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ là cực kỳ quan trọng. Brand Manager cần đảm bảo rằng mỗi yếu tố của kế hoạch được thực hiện đúng và đạt hiệu quả cao nhất.
3.3 Đo lường và phân tích hiệu quả
Việc theo dõi hiệu quả của các chiến dịch truyền thông là nhiệm vụ không thể thiếu của Brand Manager. Các chỉ số KPIs (Key Performance Indicators) cần được đo lường thường xuyên để đánh giá mức độ thành công của các chiến lược thương hiệu.
Brand Manager phải sẵn sàng thực hiện các điều chỉnh cần thiết để thích nghi với điều kiện thị trường và nhu cầu của khách hàng.
Brand Manager đóng vai trò cầu nối giữa thương hiệu và khách hàng, giúp doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, đạt được thành công trong thị trường cạnh tranh.
3.4 Bảo vệ và quản lý rủi ro thương hiệu
Brand Manager cần nhận diện và quản lý các rủi ro có thể ảnh hưởng đến thương hiệu trong quá trình phát triển thương hiệu, bao gồm rủi ro về uy tín và rủi ro pháp lý.
Chuẩn bị trước kế hoạch ứng phó khủng hoảng truyền thông để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các sự cố có thể xảy ra, giảm thiểu tác động tiêu cực đến thương hiệu.
4. 4 chiến lược phát triển thương hiệu

4.1 Chiến lược mở rộng dòng sản phẩm
Trong việc phát triển thương hiệu, mở rộng dòng sản phẩm là chiến lược dùng những dấu hiệu nhận diện của thương hiệu hiện tại cho những sản phẩm hiện tại nhưng có hình thức, màu sắc, quy mô, cấu trúc hoặc hương vị mới.
Khi thực hiện chiến lược mở rộng dòng sản phẩm, các Brand Manager cũng cần lưu ý những rủi ro sau:
- Dễ làm loãng định vị hiện tại của thương hiệu hoặc gây lẫn lộn giữa các sản phẩm.
- Có thể tự làm giảm doanh thu của các thương hiệu cùng một dòng sản phẩm.
4.2 Chiến lược mở rộng thương hiệu
Đây là chiến lược sử dụng những yếu tố nhận diện thương hiệu của dòng sản phẩm hiện tại cho dòng sản phẩm mới khác trong cùng một chủng loại.
Mục đích của chiến lược này nhằm khai thác lợi thế đã có từ thương hiệu gốc, được sử dụng khi tên thương hiệu đã có một tên tuổi nhất định trên thị trường, đã được khách hàng tin tưởng và đón nhận.
Chiến lược mở rộng thương hiệu giúp doanh nghiệp tận dụng được danh tiếng hiện tại của thương hiệu, giúp khách hàng có niềm tin ban đầu với sản phẩm, giảm rủi ro khi ra mắt sản phẩm mới.
Với chiến lược mở rộng thương hiệu, các doanh nghiệp cũng có thể đối mặt với việc dòng sản phẩm mới thất bại, gây ảnh hưởng tới thương hiệu gốc.
Các hình thức mở rộng thương hiệu:
- Mở rộng thương hiệu trong dòng sản phẩm: Điều chỉnh, bổ sung một số đặc điểm để hướng đến một phân khúc mới
- Mở rộng thương hiệu sang chủng loại sản phẩm mới: Bổ sung một chủng loại sản phẩm và tiếp tục dùng thương hiệu ban đầu
Các lợi ích khi mở rộng thương hiệu:
- Thúc đẩy chấp nhận sản phẩm mới
- Giảm chi phí đưa ra sản phẩm mới
- Giảm thời gian cần đề xây dựng thương hiệu
- Tăng cơ hội thâm nhập vào các kênh bán hàng
- Nâng cao hình ảnh thương hiệu gốc
- Mở rộng thị phần của doanh nghiệp
4.3 Chiến lược sử dụng nhiều thương hiệu
Trong chiến lược này, một doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều thương hiệu cho các sản phẩm khác nhau thuộc cùng một dòng sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều này cho phép mỗi thương hiệu tập trung vào một phân khúc thị trường cụ thể, với đặc điểm và nhu cầu khách hàng khác nhau.
Với chiến lược phát triển thương hiệu này, doanh nghiệp có thể mang lại các lợi ích sau:
- Giúp các thương hiệu tự cạnh tranh với nhau, thúc đẩy sự phát triển: Mỗi thương hiệu nỗ lực không ngừng để nổi bật so với các thương hiệu khác, từ đó tạo ra sản phẩm tốt hơn và dịch vụ khách hàng xuất sắc hơn.
- Mang đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng: Việc sử dụng nhiều thương hiệu cho phép doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu và sở thích cá nhân của các phân khúc khách hàng khác nhau.
- Gia tăng sự phụ thuộc của nhà phân phối với doanh nghiệp: Sự đa dạng của các thương hiệu giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn khi đàm phán với nhà phân phối, gia tăng sức mạnh thương lượng và kiểm soát tốt hơn các kênh phân phối.
4.4 Chiến lược phát triển thương hiệu mới
Chiến lược này được áp dụng khi doanh nghiệp muốn tạo ra thương hiệu mới cho chủng loại sản phẩm mới, mà không có thương hiệu nào trong sở hữu hiện tại phù hợp.
Phát triển thương hiệu mới cho phép doanh nghiệp khai thác vào thị trường hoặc phân khúc khách hàng mà trước đây chưa được khám phá, phát triển thị phần mà không bị ảnh hưởng bởi các thương hiệu đã có.
Với chiến lược này, thách thức đối với doanh nghiệp là cần xây dựng một thương hiệu mới và tạo được vị thế, sự khác biệt hoá đối với các thương hiệu cạnh tranh đã có.
Việc xây dựng thương hiệu từ đầu đòi hỏi chi phí lớn và mang lại rủi ro cao, bao gồm nguy cơ thất bại trong việc thiết lập nhận diện và vị thế trên thị trường.
Phát triển thương hiệu mới đòi hỏi thời gian để xây dựng uy tín và nhận thức trong lòng khách hàng, có thể kéo dài nhiều năm.
Do đó, các Brand Manager cần có một chiến lược rõ ràng và hiệu quả để định vị thương hiệu mới, tạo dựng giá trị độc đáo và khác biệt trên thị trường.
Tổng kết
Như vậy, trong bài viết này Sao Kim Branding đã giúp các Brand Manager tìm hiểu 4 chiến lược phát triển thương hiệu bao gồm: mở rộng dòng sản phẩm, mở rộng thương hiệu, sử dụng nhiều thương hiệu và phát triển thương hiệu mới.
Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, việc định hình và phát triển thương hiệu là chìa khóa giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng trưởng doanh thu.
Sao Kim hi vọng rằng, tuỳ vào tình hình thực tế mỗi doanh nghiệp, các Brand Manager có thể cân nhắc áp dụng các chiến lược phát triển thương hiệu phù hợp, giúp gia tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trên thị trường.
SAOKIM BRANDING – Branding Agency được nhiều khách hàng tin tưởng nhất
Tel: 0964.699.499
Website: www.saokim.com.vn
Email: info@saokim.com.vn
Facebook: Sao Kim Branding
Case study Behance: Sao Kim Branding