Ở vị trí Brand Manager, việc theo dõi, đánh giá hiệu quả và thực thi giải pháp phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu luôn là trách nhiệm hàng đầu. Hiểu được điều đó, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn 10+ chỉ số đo lường hiệu quả Marketing và Branding quan trọng một Brand Manager cần biết để tối ưu hóa kết quả hoạt động nhé.

1. Vì sao cần thiết lập các chỉ số đo lường hiệu quả Marketing và Branding?
Giống như hành trình chinh phục bất kỳ mục tiêu nào, Marketing và Branding cũng cần có “la bàn” định hướng để thành công. “La bàn” ở đây chính là các chỉ số đo lường, biến hiệu quả trở thành các con số có thể “cân đo đong đếm” rõ ràng.
Từ đó, doanh nghiệp có cơ sở để đánh giá và triển khai hoạt động sát sao nhất với thực tế, tăng khả năng hoàn thành mục tiêu.
2. Bộ chỉ số đo lường hiệu quả Marketing

2.1 Nhóm chỉ số về hiệu quả thu hút khách hàng
2.1.1 Lượng truy cập website
Chỉ số này đo lường hiệu quả website của bạn, giúp đánh giá nhiều yếu tố khác nhau về website như: nội dung, thiết kế, cách trình bày, hiệu quả của nội dung điều hướng từ các nền tảng khác (social, email,…) sang website,…
Thông qua hành vi sử dụng website từ thời gian đọc, cách di chuyển con trỏ, thời gian dừng lại mỗi phần nội dung,… bạn có thể dự đoán rất nhiều về hành vi người dùng, giúp thiết kế chiến lược tiếp cận phù hợp.
Dưới đây là một số chỉ số đo lường lượng truy cập website phổ biến:
- Lượt truy cập (Traffic): Số lần người dùng truy cập vào website trong một khoảng thời gian nhất định.
- Số lượng người truy cập (Unique Visitors): Số lượng người dùng riêng biệt truy cập vào website trong một khoảng thời gian nhất định.
- Lượt xem trang (Pageviews): Tổng số lần tất cả các trang trên website được xem trong một khoảng thời gian nhất định.
- Thời gian trên trang (Time on Page): Thời gian trung bình mà người dùng dành cho mỗi trang trên website.
- Tỷ lệ thoát (Bounce Rate): Tỷ lệ phần trăm người dùng truy cập vào website nhưng chỉ xem một trang duy nhất và thoát ra ngay lập tức.
- Nguồn lưu lượng truy cập (Traffic Sources): Xuất xứ của người truy cập website, bao gồm tìm kiếm tự nhiên (organic search), giới thiệu (referral), mạng xã hội (social media), email marketing, v.v.
Bạn có thể sử dụng các công cụ dưới đây để theo dõi lượng truy cập website của mình:
- Công cụ Google Analytics: Đây là công cụ miễn phí và phổ biến nhất để theo dõi lượng truy cập website. Google Analytics cung cấp nhiều báo cáo chi tiết về các chỉ số đo lường lượng truy cập website.
- Công cụ SEO/SEM như SEMrush, Ahrefs cũng cung cấp các tính năng theo dõi lượng truy cập website.
- Thống kê lưu lượng truy cập của nhà cung cấp hosting
2.1.2 Lượng traffic mạng xã hội
Mạng xã hội là một trong những kênh truyền thông cơ bản của rất nhiều doanh nghiệp. Theo thống kê của We Are Social năm 2025, Việt Nam có tới 76 triệu tài khoản các mạng xã hội. Thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong tương lai.

Một số chỉ số đo lường traffic mạng xã hội có thể kể đến như:
- Lượng truy cập: Số người truy cập vào trang web, bài đăng hoặc kênh mạng xã hội của bạn từ các kênh social media.
- Lượt tiếp cận (Reach): Số người nhìn thấy nội dung của bạn trên mạng xã hội.
- Lượt hiển thị (Impressions:) Số lần nội dung của bạn được hiển thị trên mạng xã hội.
- Lượt tương tác: Số lượt thích, chia sẻ, bình luận, click vào liên kết, v.v. trên các bài đăng của bạn.
- Tỷ lệ tương tác (Engagement rate): Tỷ lệ tương tác với nội dung của bạn trên mạng xã hội.
- Click-through rate (CTR): Tỷ lệ người click vào liên kết trong bài đăng của bạn.
Cách tính lượng traffic mạng xã hội:
- Công cụ phân tích tích hợp: Facebook Insights, Twitter Analytics, Instagram Insights, YouTube Analytics, v.v. cung cấp dữ liệu chi tiết về lượng truy cập và tương tác trên từng kênh.
- Công cụ phân tích web: Google Analytics giúp theo dõi nguồn truy cập website, bao gồm traffic từ mạng xã hội.
- Công cụ bên thứ ba: Hootsuite, Buffer, Sprout Social,… cung cấp các tính năng theo dõi và báo cáo hiệu quả social media.
2.1.3 Tỷ lệ chuyển đổi
Chỉ số tỷ lệ chuyển đổi (Conversion Rate – CR) là một trong những chỉ số quan trọng nhất trong marketing, giúp đo lường hiệu quả của các chiến dịch marketing và thu hút khách hàng tiềm năng.
- Tỷ lệ chuyển đổi chung: Đo lường tỷ lệ khách truy cập thực hiện bất kỳ hành động mong muốn nào (mua hàng, đăng ký email, tải xuống tài liệu,…) trên website hoặc kênh marketing.
- Tỷ lệ chuyển đổi theo kênh: Đo lường tỷ lệ chuyển đổi cho từng kênh marketing riêng biệt (Facebook, Google Ads, email marketing,…).
- Tỷ lệ chuyển đổi theo mục tiêu: Đo lường tỷ lệ chuyển đổi cho từng mục tiêu marketing cụ thể (tăng doanh thu, thu hút leads, nâng cao nhận thức thương hiệu,…).
Tỷ số này thường được tính trong báo cáo của từng nền tảng hoặc công cụ bạn sử dụng. Tỷ lệ chuyển đổi càng cao, chứng tỏ hiệu quả marketing càng tốt. Do vậy, bạn nên kiểm tra kĩ càng các yếu tố liên quan để tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi mọi nơi mọi lúc nhé.
2.2 Nhóm chỉ số về hiệu quả bán hàng

2.2.1 Doanh thu bán hàng
Ai cũng biết, doanh thu là nguồn sống của doanh nghiệp. Phải có doanh thu, doanh nghiệp mới có chi phí lo cho các hoạt động sản xuất, triển khai và chi phí nhân sự thực hiện. Chỉ số này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hiệu quả của các chiến dịch, như “kim chỉ nam” giúp doanh nghiệp định hướng hoạt động tiếp theo.
Công thức cơ bản: Doanh thu = Số lượng sản phẩm/dịch vụ bán ra x Giá bán
Chỉ số này quan trọng và cũng rất phổ biến, nên bạn có thể dễ dàng theo dõi qua các phần mềm quản lý khách hàng (CRM), hệ thống thanh toán (iPos, MISA),…
2.2.2 Lợi nhuận gộp
Chỉ số đo lường về lợi nhuận gộp là những thông số giúp đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi nhuận từ việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ.
Công thức cơ bản: Lợi nhuận gộp = Doanh thu bán hàng – Giá vốn hàng bán
Một vài chỉ số liên quan bạn nên quan tâm như:
- Lợi nhuận ròng: Lợi nhuận sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí, bao gồm cả thuế.
- Tỷ suất lợi nhuận ròng: Là lợi nhuận ròng chia cho doanh thu bán hàng, thể hiện tỷ lệ phần trăm lợi nhuận thu được sau khi trừ đi tất cả các khoản chi phí.
Bạn cũng cần lưu ý rằng, lợi nhuận gộp là một chỉ số quan trọng nhưng không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp cần phân tích lợi nhuận gộp kết hợp với các chỉ số khác như doanh thu bán hàng, chi phí hoạt động, lợi nhuận ròng để có đánh giá toàn diện về hiệu quả kinh doanh.
2.2.3 Giá trị vòng đời khách hàng
Giá trị vòng đời khách hàng (Customer Lifetime Value – CLV) là giá trị khách hàng đóng góp cho doanh nghiệp trong suốt mối quan hệ giữa họ và doanh nghiệp, cho các công ty biết họ có thể mong đợi một khách hàng đem lại bao nhiêu doanh thu suốt quá trình kinh doanh.
Theo tỷ lệ thuận, khách hàng tiếp tục mua hàng của một công ty càng lâu thì giá trị lâu dài của họ càng lớn. Đây cũng là một phần lý do vì sao doanh nghiệp cần khách hàng trung thành với họ.
Có rất nhiều công thức tính giá trị vòng đời khách hàng. Cơ bản có thể tính như sau:
CLV = (Giá trị giao dịch trung bình * Số lần mua hàng trung bình mỗi năm * Lợi nhuận trung bình mỗi giao dịch) * Thời gian trung bình khách hàng duy trì mối quan hệ với doanh nghiệp.
Trong đó:
- Giá trị giao dịch trung bình: Đây là số tiền trung bình mà khách hàng chi tiêu cho mỗi lần giao dịch.
- Số lần mua hàng trung bình mỗi năm: Đây là số lần trung bình một khách hàng mua hàng từ doanh nghiệp của bạn trong một năm. Số này giúp ước lượng tần suất giao dịch của khách hàng.
- Lợi nhuận trung bình mỗi giao dịch: Đây là phần lợi nhuận mà bạn kiếm được từ mỗi giao dịch, sau khi đã trừ đi chi phí. Lợi nhuận này có thể được tính bằng cách sử dụng tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trên mỗi đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ.
- Thời gian trung bình khách hàng duy trì mối quan hệ với doanh nghiệp: Đây là khoảng thời gian dự kiến mà một khách hàng sẽ tiếp tục mua sắm hoặc sử dụng dịch vụ của bạn. Thời gian này thường được ước lượng dựa trên dữ liệu lịch sử về mối quan hệ của khách hàng với các doanh nghiệp tương tự.
3. Bộ chỉ số đo lường hiệu quả Branding

3.1 Nhóm chỉ số về nhận thức thương hiệu
3.1.1 Nhận thức thương hiệu (Brand Awareness)
Nhận thức về thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc khách hàng biết đến thương hiệu của bạn, mà còn liên quan đến việc họ hiểu rõ về giá trị, sản phẩm, dịch vụ và điểm đặc biệt mà thương hiệu mang lại như thế nào? Có đúng với những gì thương hiệu đang truyền tải không?
Để tăng cường nhận thức về thương hiệu, doanh nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng và phát triển nội dung chất lượng, thực hiện các chiến dịch marketing sáng tạo và liên tục tương tác với khách hàng qua nhiều kênh truyền thông khác nhau
Tìm hiểu thêm về Cách xây dựng nhận thức thương hiệu
3.1.2 Hình ảnh thương hiệu
Mọi người dễ nhầm lẫn rằng hình ảnh thương hiệu là thứ hình ảnh về thương hiệu đang được truyền thông tới khách hàng. Nhưng thực tế không phải. Hình ảnh thương hiệu là chỉ số đo lường những gì khách hàng nghĩ về thương hiệu của bạn trong tâm trí họ.
Thương hiệu này có uy tín không? Chất lượng có tốt, có bền không? Họ đem tới cảm giác vui vẻ, hài hước hay điềm tĩnh, chuyên gia? Qua hình ảnh đó, khách hàng sẽ quyết định xem thương hiệu này có phù hợp với họ không và thực hiện các bước tiếp theo (tìm hiểu, mua hàng,…).
Quan trọng ở đây là, bạn cần đảm bảo hình ảnh mà khách hàng cảm nhận được với hình ảnh mà bạn tạo ra cho thương hiệu của mình là đồng nhất. Có như vậy, hiệu quả từ thương hiệu mới được phát huy tốt, kết quả kinh doanh theo đó cũng khả quan hơn.
Đọc thêm về 15 chỉ số đo lường thương hiệu (Brand Metrics)
3.2 Nhóm chỉ số về lòng trung thành thương hiệu

3.2.1 Tỷ lệ giữ chân khách hàng
Tỷ lệ giữ chân khách hàng (Customer Retention Rate – CRR) là chỉ số đo lường khả năng giữ chân khách hàng của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định.
Có một sự thật là, chi phí bỏ ra để thu hút khách hàng mới luôn lớn hơn gấp 2, gấp 3 lần so với chi phí duy trì khách hàng cũ. Chưa kể, những khách hàng cũ này nếu được chăm sóc tốt sẽ là những đại sứ uy tín giúp tăng nhận diện của thương hiệu tới những người xung quanh họ.
Nếu tỷ lệ giữ chân khách hàng cao, chứng tỏ doanh nghiệp đang có mối quan hệ tích cực với khách hàng của họ. Trong trường hợp ngược lại, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao khách hàng hay rời đi và có những biện pháp kịp thời để dần tạo dựng và duy trì được tệp khách hàng trung thành.
Công thức tính: CRR = ((E – N)/S) x 100%
Trong đó:
- E: Số lượng khách hàng vào cuối kỳ.
- N: Số lượng khách hàng mới có được trong kỳ.
- S: Số lượng khách hàng vào đầu kỳ.
3.2.2 Tỷ lệ giới thiệu khách hàng
Chỉ số này đo lường mức độ sẵn sàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu tới người khác. Từ đó, giúp thương hiệu đo lường được mức độ hài lòng của khách hàng cũng như khả năng thương hiệu tạo ra hiệu ứng lan truyền tích cực trong cộng đồng.
Công thức cơ bản: Tỷ lệ giới thiệu khách hàng = (Số lượng khách hàng sẵn sàng giới thiệu / Tổng số khách hàng) x 100%
Tỷ lệ giới thiệu khách hàng cao sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đi tìm khách hàng mới, tăng cường uy tín và hình ảnh thương hiệu. Đồng thời, mở ra cơ hội chăm sóc tệp khách hàng sẵn lòng giới thiệu kia trở thành khách hàng trung thành với thương hiệu (Brand Loyalty).
Lời kết
Như vậy, Sao Kim đã giới thiệu tới bạn những chỉ số đo lường quan trọng mà một Brand Manager cần biết để đảm bảo hiệu quả các hoạt động marketing, branding thực hiện. Mong rằng với những chia sẻ trên, bạn sẽ có cho mình hướng đi rõ ràng để có thể tối ưu nhất hiệu quả đạt được cho doanh nghiệp.
Nếu bạn đang muốn phát triển thương hiệu, liên hệ ngay với Sao Kim Branding để nhận tư vấn kĩ càng về lộ trình và định hướng chi tiết nhé!
______________________
SAOKIM BRANDING – Giải pháp xây dựng thương hiệu toàn diện được nhiều khách hàng tin tưởng nhất
Tel: 0964.699.499
Website: www.saokim.com.vn
Email: info@saokim.com.vn
Facebook: Sao Kim Branding
Case study Behance: Sao Kim Branding