Mở rộng thương hiệu là chiến lược tiếp thị được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tăng khả năng kinh doanh. Tuy nhiên, con đường này có thể sẽ hủy diệt doanh nghiệp của bạn nếu không biết đến 4 vấn đề sau. Cùng Sao Kim tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết từng vấn đề nhé.

1. Lợi ích khi mở rộng thương hiệu
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, mở rộng thương hiệu là một bước đi thông minh để tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có. Hãy cùng khám phá những lợi ích khi mở rộng thương hiệu để hiểu rõ hơn về sức mạnh và tiềm năng mà chiến lược này mang lại cho các doanh nghiệp trong thời đại mới.
1.1 Tăng khả năng thích nghi với thị trường
Một trong những lợi ích của mở rộng thương hiệu chính là khả năng thích nghi nhanh chóng với thị trường. Khi mở rộng sang các sản phẩm mới hoặc phân khúc khách hàng mới, doanh nghiệp có cơ hội khai thác nhu cầu chưa được thỏa mãn, từ đó tạo ra nguồn thu mới và tăng khả năng cạnh tranh.
1.2 Tăng nhận thức về thương hiệu
Mở rộng thương hiệu giúp tăng cường sự nhận diện và nhận thức về thương hiệu trên thị trường. Khi một thương hiệu xuất hiện ở nhiều phân khúc khác nhau, hình ảnh và thông điệp của thương hiệu sẽ tiếp cận được một lượng lớn khách hàng tiềm năng, từ đó nâng cao vị thế và sức ảnh hưởng.
1.3 Tăng doanh thu
Việc mở rộng thương hiệu mở ra cánh cửa mới để tăng trưởng doanh thu.
Các sản phẩm mới hoặc dịch vụ mới không chỉ thu hút khách hàng mới mà còn khuyến khích khách hàng hiện tại mua sắm nhiều hơn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ thương hiệu hiện có, từ đó tăng doanh thu mà không cần đầu tư quảng cáo lớn.
1.4 Tiết kiệm chi phí
So với việc xây dựng một thương hiệu mới từ đầu, mở rộng thương hiệu đòi hỏi ít chi phí và nguồn lực hơn rất nhiều. Doanh nghiệp có thể tận dụng hạ tầng, nguồn lực và uy tín đã có của thương hiệu mẹ để phát triển các sản phẩm mở rộng mà không cần phải bắt đầu lại từ con số 0.
Đọc thêm: 2 Chiến lược mở rộng thương hiệu
2. Các vấn đề khi mở rộng thương hiệu
Mở rộng thương hiệu là một chiến lược đầy thách thức, không phải lúc nào cũng đem lại thành công như mong đợi. Để hiểu rõ hơn về những rủi ro tiềm ẩn và cách thức để tránh phạm phải những sai lầm có thể tác động tiêu cực tới doanh nghiệp, hãy cùng phân tích sâu vào từng vấn đề cụ thể mà các thương hiệu có thể gặp phải trong quá trình mở rộng.
2.1 Làm suy yếu giá trị của thương hiệu mẹ

Khi thương hiệu mở rộng đi quá xa so với giá trị cốt lõi và định vị của thương hiệu mẹ sẽ khiến khách hàng dễ bị nhầm lẫn; hình ảnh chung của doanh nghiệp trở nên méo mó, không đồng nhất. Uy tín thương hiệu cũng bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến làm suy giảm giá trị của cả thương hiệu.
Sự thành công của Bic khi mở rộng danh mục sản phẩm từ bút bi Bic đến quẹt gas và dao cạo an toàn Bic đã khiến thương hiệu này lầm tưởng rằng mình có thể mở thêm bất cứ thứ gì. Và họ quyết định sản xuất đồ lót dùng một lần.
Vấn đề là người tiêu dùng không thể hình dung được mối liên hệ giữa sản phẩm hiện có của Bic với sản phẩm mới. Hậu quả là Bic đã phải dừng sản xuất và thu hồi toàn bộ sản phẩm này.
Từ câu chuyện trên, tôi khuyên bạn cần thực hiện nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đảm bảo mỗi sản phẩm mới hay phân khúc thị trường mở rộng phải phù hợp và bổ trợ cho giá trị cốt lõi của thương hiệu mẹ.
Trải nghiệm của khách hàng là quan trọng nhất, hãy đứng từ góc độ của họ để cảm nhận.
2.2 Sụt giảm doanh thu, thị phần của các sản phẩm khác

Mở rộng thương hiệu có thể dẫn đến hiện tượng “cannibalization” – khi sản phẩm mới “ăn” vào thị phần của sản phẩm chính hoặc các sản phẩm khác cùng công ty dẫn đến sụt giảm cả thị phần lẫn doanh thu.
Kem đánh răng Crest có rất nhiều chủng loại khác nhau, từ kem dành cho người hút thuốc, kem tẩy trắng răng, kem bạc hà, kem cho con nít, kem cho cụ già,… Điều này khiến người tiêu dùng bối rối, không thể nhớ hay biết nên dùng loại nào.
Hậu quả của chiến lược mở rộng này là sự sụt giảm về tổng thị phần của Crest.
Cụ thể, khi chỉ có một sản phẩm, Crest chiếm 50% thị trường. Khi có 36 sản phẩm khác nhau, thị phần của họ còn 25%. Và khi con số lên tới 52 loại kem đánh răng Crest, thị phần giảm xuống chỉ còn 15%.
Vì vậy, là một Brand Manager, bạn cần:
- Phân tích rõ tác động của mở rộng thương hiệu mới tới danh mục sản phẩm hiện tại.
- Tập trung tạo ra giá trị bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trên thị trường thay vì thiếu sót gây ra trùng lặp, ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu nói chung.
2.3 Phản hồi tiêu cực từ khách hàng

Mở rộng thương hiệu đôi khi có thể gặp phải sự phản hồi tiêu cực từ phía khách hàng khi chiến lược đó bị coi là không phù hợp, phi đạo đức hoặc vi phạm kỳ vọng hay chuẩn mực của thị trường, ngành hàng.
Thương hiệu xe phân khối lớn Harley-Davidson là một huyền thoại về sự nam tính, cứng cáp, mạnh mẽ. Harley độc đáo tới mức nhiều chủ xe cuồng Harley đã xăm hình về thương hiệu lên cơ thể của họ.
Nhưng khi Harley-Davidson mở rộng thương hiệu sang các sản phẩm khác như: quần áo, vớ, nước hoa, cà vạt, thậm chí là đồ trẻ em,… đã gây thất vọng rất lớn. Người tiêu dùng cảm thấy hình ảnh mạnh mẽ, cứng rắn của Harley đã sụp đổ khi gắn với những sản phẩm mở rộng kia.
Như một điều tất yếu, Harley nhận được rất nhiều lời chỉ trích. Sự phản đối mạnh mẽ tới mức công ty phải ngưng toàn bộ hoạt động sản xuất kia, quay trở lại tập trung hoàn toàn vào những chiếc xe mạnh mẽ, lấy lại vị thế trong tâm trí những vị khách “chơi xe”.
Rõ ràng, tầm quan trọng của nghiên cứu và dự đoán về tâm lý, hành vi khách hàng là không thể chối cãi.
2.4 Chiến lược mở rộng không đủ nổi bật

Việc mở rộng vào thị trường hoặc phân khúc mới mà không có sự khác biệt hoặc đặc điểm nổi bật sẽ khiến sản phẩm mới khó khăn trong việc cạnh tranh và thu hút sự chú ý từ khách hàng.
Ví dụ điển hình là câu chuyện Microsoft muốn cạnh tranh với iPod của Apple nên đã cho ra mắt Zune, một kiểu máy nghe nhạc di động. Thế nhưng, các tính năng của Zune không được đánh giá cao về chất lượng âm thanh, cách thức tải nhạc hay định dạng ảnh hỗ trợ không cao.
Kết quả là, tham vọng lần này của Microsoft không đủ sức đánh bại iPod – vốn đang dẫn đầu với thị phần khổng lồ lên tới 63% vào thời điểm Zune ra mắt. Máy nghe nhạc Zune cũng biến mất khỏi thị trường từ đó.
Như vậy, lại một lần nữa tầm quan trọng của nghiên cứu sản phẩm, khách hàng được nhắc đến.
Sự thấu hiểu về nhu cầu người tiêu dùng và thực tế thị trường, sự sáng tạo về sản phẩm mới, kết hợp các yếu tố trên lại, tìm ra điểm cạnh tranh hợp lý là chìa khóa giúp doanh nghiệp của bạn tránh được vấn đề này.
Đọc thêm Cách quản lý chiến lược mở rộng thương hiệu
3. Xu hướng mở rộng thương hiệu trong 5 năm tới
Trong 5 năm tới, việc mở rộng thương hiệu sẽ không dừng lại ở việc mở rộng thị trường hay đa dạng hóa sản phẩm, mà cần phải hướng tới những giá trị bền vững và trách nhiệm xã hội, được thể hiện qua cam kết bảo vệ môi trường cùng việc áp dụng công nghệ để cá nhân hóa sản phẩm và phát triển cộng đồng người dùng.
Hãy cùng khám phá những xu hướng mở rộngt hương hiệu sẽ hình thành và ảnh hưởng đến cách thức các thương hiệu tiếp cận và mở rộng trong thập kỷ mới.
3.1 Tập trung vào tính bền vững, trách nhiệm xã hội
Các vấn đề mang tính bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng được người tiêu dùng quan tâm sâu sắc.
Tính bền vững là khả năng duy trì hoạt động kinh doanh thành công trong dài hạn. Trách nhiệm xã hội là cam kết của doanh nghiệp về việc đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.
Doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ góp phần nâng cao tính bền vững. Đồng thời, hoạt động bền vững sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội.
Hiểu rõ về mối liên hệ mật thiết này, doanh nghiệp sẽ có tư duy kinh doanh đúng đắn hơn, lâu dài hơn khi tiến hành mở rộng thương hiệu, đảm bảo mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp tròng dài hạn.
3.2 Cá nhân hóa tận dụng công nghệ và Big Data (dữ liệu lớn)
Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data), và Internet vạn vật (IoT) sẽ cung cấp cơ hội mới cho các thương hiệu để mở rộng thông qua việc cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ.
Do đó, việc tận dụng dữ liệu khách hàng để tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng người sẽ là một xu hướng lớn.
3.3 Phát triển thương hiệu dựa trên cộng đồng người dùng
Người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm và khó tính hơn trước các hoạt động kinh doanh, marketing. Phát triển sản phẩm, thương hiệu dựa trên sự tham gia của cộng đồng, người dùng sẽ phản ánh đúng mong muốn và nhu cầu, tăng mức độ thành công hơn so với trước đây. Đồng thời, rút ngắn khoảng cách giữa thương hiệu và khách hàng.
Tổng kết
Như vậy, bài viết này đã cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan hơn về cả mặt lợi, mặt hại và giải pháp khi thực hiện mở rộng thương hiệu. Hy vọng với những thông tin này, bạn sẽ biết được những điểm cần lưu ý và triển khai kĩ càng là gì, góp phần phát triển thương hiệu ngày một tốt hơn.
Liên hệ với Sao Kim Branding ngay để nhận tư vấn về quy trình mở rộng thương hiệu cho doanh nghiệp của bạn nhé!
_____________________
SAOKIM BRANDING – Branding Agency được nhiều khách hàng tin tưởng nhất
Tel: 0964.699.499
Website: www.saokim.com.vn
Email: info@saokim.com.vn
Facebook: Sao Kim Branding
Case study Behance: Sao Kim Branding