Bạn là một nhà quản lý đang tìm hiểu cách xây dựng Kế hoạch SEO cho webiste của mình? Hay bạn là một SEOer đã biết về SEO nhưng muốn nâng cao kỹ năng lập kế hoạch SEO.
Cho dù bạn là ai, Sao Kim cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ toàn bộ kiến thức cần thiết để bạn tạo ra được Kế hoạch SEO phù hợp nhất với mục tiêu kinh doanh dựa trên nguồn lực & đội ngũ bạn có.
Khi bạn đã hiểu rõ về phương pháp xây dựng, ở cuối bài Sao Kim cũng chia sẻ luôn bản mẫu kế hoạch SEO [Excel] chi tiết theo mục tiêu Doanh thu, mới nhất mà Sao Kim cũng đang áp dụng với các dự án vừa và nhỏ để bạn tham khảo cho kế hoạch SEO 2024 này.
Và để đảm bảo bạn hiểu rõ ràng và có thể áp dụng linh hoạt trong việc lập kế hoạch SEO thì hãy theo dõi kỹ phương pháp xây dựng dưới đây.
Note: Bài viết này tập trung vào khía cạnh lập kế hoạch gắn kết mục tiêu SEO, các vấn đề cốt lõi, kinh doanh hơn là các kỹ thuật SEO cụ thể.
Chúng ta bắt đầu ngay với phần đầu tiên.
1. Kế hoạch SEO là gì?
Kế hoạch SEO là bản kế hoạch cho hoạt động xây dựng phát triển trang web nhằm cải thiện khả năng xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Về cơ bản, đó là bản kế hoạch bạn bám theo để mong kiếm được traffic free từ các công cụ tìm kiếm (như Google, Cốc Cốc)
Có một kế hoạch SEO hiệu quả là rất quan trọng vì nó giúp bạn đi đúng hướng. Thay vì chỉ làm theo những gì bạn nghĩ, kế hoạch SEO bạn và team của bạn hoạt động dựa trên các con số khách quan và mục tiêu cụ thể.
Đối với việc phát triển nội dung, Kế hoạch SEO là một phần quan trọng vì đó là cách giúp nội dung của bạn hỗ trợ cho nhau, dẫn dắt khách hàng chuyển đổi và cơ hội hiển thị TOP đầu trên kết quả tìm kiếm tự nhiên. (SERPs – Search Engine Result Pages).
Không có kế hoạch cụ thể, bạn không biết nên làm gì, làm bao nhiêu là đủ và làm thế nào.
2. Chiến lược SEO Mobile-First
SEO trên thiết bị di động là một yếu tố quan trọng cần lưu ý khi tạo chiến lược SEO tổng thể của bạn.
Tối ưu hóa thiết bị di động liên quan đến việc đảm bảo trang web và nội dung trang web của bạn có sẵn và có thể truy cập trên thiết bị di động, để khách hàng có thể có trải nghiệm tốt và nhận được đầy đủ giá trị.
Tối ưu hóa thiết bị di động là cực kỳ quan trọng, vì Google đã thông báo rằng họ ưu tiên lập chỉ mục cho thiết bị di động (Mobile-first indexing).
Điều này có nghĩa là, thay vì thu thập dữ liệu trang web trên PC, thuật toán sẽ sử dụng phiên bản di động của trang web của bạn khi lập chỉ mục và đánh giá xếp hạng các trang cho SERPs.
Google craw dữ liệu bằng phiên bản Smartphone
Ngoài ra, theo báo cáo của SEMrush, có 66% traffic vào website bằng thiết bị di động. Vì vậy, chiến lược SEO của bạn sẽ không hiệu quả nếu không ưu tiên tối ưu hóa thiết bị di động trước.
Bắt đầu đúng chỗ bạn sẽ bớt đi rất nhiều sai lầm.
THỰC TẾ: Nhiều người biết Mobile-first nhưng luôn tư duy theo PC-First dẫn tới hoạt động tối ưu cho Mobile lúc nào cũng đi sau.
Mặc dù bạn không cần phải xây dựng quy trình hoàn toàn riêng biệt, nhưng cần cân nhắc đối với SEO trên thiết bị di động như:
- Tốc độ tải trang
- Thiết kế web responsive
- SEO địa điểm
- Tạo nội dung chất lượng cao
- Tối ưu khả năng đọc, tương tác trên thiết bị di động
… kể cả nội dung đó được xem trên thiết bị nào.
3. SEOer làm gì?
SEOer là những người thực hiện việc tối ưu hóa trang web để giúp chúng được xếp hạng cao hơn trên SERP và thu được nhiều lưu lượng truy cập không phải trả tiền.
Về bản chất, SEOer là một nhà chiến lược nội dung có chuyên môn cao giúp doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng tiềm năng thông qua nhiều kỹ thuật
Có ba loại SEO mà một SEOer có thể tập trung vào:
- SEO On-page: Tập trung vào nội dung thực sự trên các trang của trang website và cách tối ưu hóa nội dung đó để tăng thứ hạng của trang web cho các từ khóa cụ thể.
- SEO Off-page: Tập trung vào việc tạo giới thiệu, tạo liên kết dẫn về trang web của bạn từ những nơi khác trên internet (Gọi là Backlink). Số lượng và chất lượng Backlink giúp tăng uy tín để xếp hạng.
- SEO kỹ thuật: Tập trung vào kiến trúc phụ trợ của trang web, như code web. Google quan tâm nhiều đến thiết lập kỹ thuật cũng như nội dung, vì thế SEO kỹ thuật rất quan trọng.
Mỗi doanh nghiệp khi tìm đến giải pháp SEO đều có các mục tiêu khác nhau, vì vậy công việc của SEOer là đánh giá toàn bộ về ngành, đối thủ cạnh tranh, khách hàng tiềm năng và liên kết với mục tiêu của doanh nghiệp để phát triển một chiến lược thực thi phù hợp.
Dưới đây, Sao Kim sẽ trình bày một số bước giúp bạn lập kế hoạch SEO thành công.
4. 10 Bước lập kế hoạch SEO+ File mẫu Excel
Để có được cái nhìn toàn diện hơn về kế hoạch SEO, Sao Kim sẽ hướng dẫn bạn lập kế hoạch SEO tổng thể.
Các chiến dịch SEO từ khóa, SEO dự án nhỏ hơn có thể được rút gọn từ kế hoạch SEO tổng thể này.
- Bước #1: Xác định mục tiêu SEO
- Bước #2: Xác định bộ từ khóa
- Bước #3: Phân tích đối thủ
- Bước #4: Xác định chiến lược SEO
- Bước #5: Xác định khối lượng công việc
- Bước #6: Thiết kế, tối ưu website
- Bước #7: Xây dựng Service Page
- Bước #8: Kế hoạch xây dựng nội dung Blog
- Bước #9: Tạo kế hoạch xây dựng Backlink
- Bước #10: Đo lường kết quả & Tối ưu
Bước #1: Xác định mục tiêu SEO
Các kế hoạch SEO bạn có thể tìm thấy trên Google trước đây thường có mục tiêu mơ hồ, không định lượng.
Thế nên, nhiều Kế hoạch SEO trông rất kỹ thuật, phức tạp, nhưng lại xa rời mục tiêu kinh doanh dẫn tới thực thi khó khăn, không tích hợp tốt với kế hoạch Marketing tổng thể.
Do đó, trong bài này, Sao Kim sẽ giúp bạn xây dựng một kế hoạch SEO dễ hiểu, dễ tích hợp và đặc biệt là gắn chặt với những con số.
Trước hết, bạn có thể hiểu hành trình khách hàng mua sản phẩm & dịch vụ trên website thông qua SEO đơn giản như thế này:
- Đầu tiên, khách hàng tìm kiếm sản phẩm & dịch vụ trên các công cụ tìm kiếm (ví dụ Google search)
- Thấy link sản phẩm dịch vụ của bạn, khách hàng click truy cập vào đọc thông tin và tham khảo kỹ về thông tin nhà cung cấp (là bạn)
- Cuối cùng, họ chọn đăng ký mua sản phẩm hoặc liên hệ với bạn qua các kênh khác như: Live Chat, Hotline, Email…
Hoặc hành trình của khách hàng dài hơi hơn:
- Khách hàng tìm kiếm thông tin về một chủ đề nào đó trên Google
- Sau đó nhìn thấy bài viết (chia sẻ thông tin) của bạn trên bảng kết quả tìm kiếm và click vào đọc bài viết đó
- Tiếp theo, khách hàng đọc bài viết và phát sinh nhu cầu mua sản phẩm & dịch vụ. Họ sẽ click vào link sản phẩm & dịch vụ mà bạn giới thiệu
- Cuối cùng, sau khi đọc thông tin sản phẩm (sau khi tham khảo thêm thông tin nhà cung cấp) họ sẽ bấm mua hàng hoặc liên hệ tư vấn.
Thực tế, quy trình mua hàng của khách hàng phức tạp hơn thế này rất nhiều.
Nhưng chung quy thì về bản chất thì không khác nhau là mấy.
> Đọc thêm: Bản đồ hành trình khách hàng để hiểu hơn hành trình tổng thể của họ
Do đó, hoạt động SEO sẽ xoay quanh làm thế nào để tiếp cận với khách hàng (bằng cách có thứ hạng cao) và sau đó dẫn dắt họ “Chuyển đổi” theo 2 kịch bản:
- Kịch bản #1: Khách hàng vào thẳng bài viết sản phẩm & dịch vụ -> Mua hàng
- Kịch bản #2: Khách hàng tìm hiểu thông tin liên quan (bài viết hữu ích) rồi phát sinh nhu cầu -> Chuyển đổi về trang bán hàng -> Mua hàng
Kịch bản thứ #2 sẽ dài hơi hơn nhưng khả năng tiếp cận rộng hơn. Còn kịch bản #1 thì sát hơn nhưng thường có khả năng tiếp cận nhỏ hơn.
Bởi vì, các bộ từ khóa tìm hiểu, thông tin thường có lượng tìm kiếm / tháng lớn hơn nhiều so với bộ từ khóa bán hàng.
Bây giờ, câu hỏi là:
Bạn muốn có được bao nhiêu khách hàng?
Thông thường, SEOer sẽ quan tâm đến số khách hàng đăng ký tư vấn, mua sản phẩm & dịch vụ thành công hoặc cung cấp đầy đủ thông tin qua các kênh Hotline, Live chat (Nguồn xuất phát từ website).
Note: Giả sử bước này không thực hiện thanh toán ngay mà cần tư vấn (Chưa phát sinh doanh thu)
Khi khách hàng đã điền đầy đủ thông tin, bước bán hàng tiếp theo liên quan nhiều hơn đến việc tư vấn, sản phẩm dịch vụ, chăm sóc, hậu mãi….
Nhưng là một nhà quản lý (chủ doanh nghiệp) chắc chắn bạn sẽ quan tâm đến Doanh số đúng không?
Đúng như bạn nghĩ, vẫn có thể gắn mục tiêu SEO với Doanh số bằng cách tính toán tỷ lệ chuyển đổi hợp lý, ví dụ:
- 100 Khách hàng đăng ký tư vấn, mua sản phẩm dịch vụ (Lead) thì có 10 chuyển tiền. Vậy tỷ lệ Convert ở đây là 10% (Tỷ lệ này phụ thuộc nhiều yếu tố ngoài SEO)
Điều này dẫn tới, bạn muốn:
- Doanh thu mục tiêu 6 tháng (sau khi SEO thành công) là 1.000.000.000 đ thì bạn cần có 100 khách mua hàng (Giả sử doanh thu 10.000.000 / khách hàng).
- Với tỷ lệ convert 10% thì cần có 1.000 khách hàng liên hệ tư vấn sản phẩm & dịch vụ (Gọi là lead)
Ta có bảng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng như sau:
Note: Tỷ lệ chuyển đổi CR3 ở đây Sao Kim lấy ví dụ minh họa, tỷ lệ này khác trong từng ngành khác nhau. Và số liệu thu thập từ doanh nghiệp của bạn qua thời gian mới là số chính xác, không ai giống ai cả.
Với 2 Kịch bản mua hàng ở bên trên, chúng ta có thể phân bổ lead:
Ở đây:
- CR1: Là tỷ lệ chuyển đổi từ trang thông tin, chia sẻ về trang bán hàng (Lấy ví dụ đối với cách ngành trung bình)
- CR2: Là tỷ lệ khách hàng ghé thăm trang bán hàng và liên hệ tư vấn (Lấy ví dụ đối với cách ngành trung bình)
Note: Còn rất nhiều chỉ số bạn cần quan tâm khi làm SEO. Nhưng tất cả đều là giải pháp để cố gắng tối ưu 3 tỷ lệ chuyển đổi này. Đây không những là chỉ số có giá trị đối với việc lập Kế hoạch SEO mà còn cả đối với kế hoạch Kinh doanh dựa trên website.
Note: Tương tự, tỷ lệ CR1, CR2 ở trên cũng cần phải đo qua thời gian ở chính sản phẩm, dịch vụ, trang web của bạn thì mới chính xác (ban đầu chỉ là ước lượng và chắc chắn sẽ sai số)
Việc phân bổ Lead ở đây có thể căn cứ vào kinh nghiệm trong ngành và số lượng traffic có thể được phân bổ.
Thông thường, traffic đến từ các công cụ tìm kiếm có 2 loại:
- Paid search: Khách hàng tìm kiếm và click vào quảng cáo (Mất phí)
- Organic search: Khách hàng tìm kiếm và click vào kết quả tìm kiếm tự nhiên (Không mất phí)
Theo kinh nghiệm của Sao Kim, đối với các ngành cạnh tranh mà các đối thủ thường treo quảng cáo 24/24 thì lượng traffic phân bổ cho kết quả tìm kiếm tự nhiên sẽ khoảng 50-60% (ta cứ tính 50% cho an toàn)
Ví dụ: Nếu từ khóa “Thiết kế Logo” có lượt tìm kiếm 18.000 / tháng thì chỉ có khoảng 10.000 được phân bổ cho kết quả tìm kiếm tự nhiên mà thôi. 8.000 còn lại sẽ được các nhà quảng cáo tìm kiếm giành giật nhau.
Và nếu bài viết của bạn xuất hiện trong khoảng TOP5 thì bạn sẽ nhận được tối đa 10% (lượng traffic phân bổ cho kết quả tìm kiếm tự nhiên)
Note: Tỷ lệ sẽ khác theo từng lĩnh vực, từng từ khóa và từng thời điểm. Tuy nhiên, từ khóa đạt TOP5 khó có thể nhận hơn 10% (thậm chí thấp hơn. Nhưng chúng ta đặt mục tiêu TOP5 là tối thiểu (có thể khi làm lại được xếp hạng cao hơn) nên có thể lấy ước lượng là 10%. Đây cũng là CTR (Tỷ lệ Click/ lượt hiển thị)
Note: TOP1 có thể nhận tới 40-50% (hoặc hơn), vì thế mọi người đều có gắng thúc đẩy cạnh tranh TOP1. Tuy nhiên, cũng vì thế TOP1 cạnh tranh rất mạnh và khó dự đoán. Do đó TOP5-TOP3 là mục tiêu phù hợp.
Nếu như SEO Page của bạn nằm trong TOP5 thì số lượt hiển thị bằng lượt tìm kiếm (ngoại trừ trường hợp Google phân bổ theo cá nhân hóa cụ thể hơn).
Như vậy, việc còn lại của bạn là tìm kiếm bộ từ khóa phù hợp để kỳ vọng mang lại cho bạn đủ traffic bạn mong muốn.
Nếu sử dụng các tỷ lệ trên, ta có bảng sau:
Số lượt hiển thị (TOP5) cũng chính là số lượt tìm kiếm bạn cần
Vậy, theo như bảng này bạn cần:
- Tìm kiếm bộ từ khóa bán hàng có tổng lượt tìm kiếm (hiển thị) là 66.667 (6 tháng)
- Tìm kiếm bộ từ khóa hỗ trợ bán hàng có tổng lượt tìm kiếm là 3.333.333 (6 tháng)
Note: Bảng trên là KH mục tiêu theo Doanh thu (6 tháng sau khi SEO lên), bạn cần chia ra Tháng, Quí, 6 Tháng, 1 Năm để dễ dàng theo dõi và thực hiện
Note: Ngoài ra, giai đoạn đầu chuẩn bị và triển khai nên chưa có kết quả, do đó số liệu trên là số liệu dự kiến đạt được sau khi đạt mục tiêu (như kế hoạch mẫu này là sau 6 tháng)
Khi tìm kiếm bộ từ khóa đáp ứng lượt tìm kiếm này bạn có thể tiếp tục triển khai các bước tiếp theo.
Nhưng, nếu bộ từ khóa không thể đáp ứng thì làm thế nào?
Điều này rất thường gặp trong khi lập kế hoạch SEO, ở trường hợp này, với kinh nghiệm triển khai các dự án SEO cho khách hàng và chính mình, Sao Kim sẽ cân nhắc các phương án dưới đây để đạt mục tiêu kinh doanh:
- Đặt mục tiêu tăng thứ hạng lên cao hơn (TOP3, TOP1). Điều này cũng dấn tới việc tăng CTR.
- Tăng tỷ lệ chuyển đổi CR1, CR2 bằng cách cung cấp trải nghiệm tốt hơn, nội dung chất lượng hơn, viết CTA (Call-to-Action) mạnh mẽ hơn.
- Tăng CR3 bằng cách tối ưu quy trình tư vấn, chăm sóc, dịch vụ hậu mãi …
- Tăng doanh thu / 1 khách hàng bằng các gói sản phẩm, dịch vụ giá trị hơn, bán kèm, bán chéo…
- Triển khai email marketing để chăm sóc khách hàng tiềm năng
- Triển khai Inbound Marketing để tối đa hóa vòng đời khách hàng
Ngoài ra, bạn cũng cần có phương án bổ sung bằng cách thu hút traffic (tiềm năng) từ các kênh khác:
- Youtube
- Facebook (Business Page, Facebook Ads)
- Tiktok
- Cốc Cốc Search
- Chạy Google Ads để tăng tỷ lệ phân phối cho website của bạn (vì có khoảng 40% được phân phối cho quảng cáo tìm kiếm, bạn cũng có thể cạnh tranh miếng bánh này)
- Chạy Google Re-Marketing để bám đuổi khách hàng, nếu họ đã vào trang mà chưa mua hàng.
- Chạy GDN (Google Display Network)
- Chạy tiếp thị banner (thông qua các Ad Network khác)
- Chạy quảng cáo tự nhiên (bài quảng cáo thiết kế giống hệt bài tin tức trên trang khác)
- Tạo các chiến dịch tiếp thị đặc biệt khác
- …
Tóm lại, chúng ta cần khách hàng tiềm năng truy cập trang bán hàng bằng cách này hay cách khác và bạn có thể rất nhiều cách khác nhau (nếu như dung lượng tìm kiếm/ tháng trên google không đáp ứng)
Note: Thực tế, cách kết hợp đa kênh là giải pháp tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là giải pháp để phần nào đó thúc đẩy kết quả SEO tốt hơn và giúp bạn bán hàng ngay từ khi publish website.
Ngoài ra, ở bước này bạn có thể xác định được thêm ngân sách cho chiến dịch SEO.
Thông thường, chi phí Marketing (hay SEO) tối ưu nằm trong khoảng 6-12% đối với sản phẩm tiêu dùng, còn trong lĩnh vực B2B thì khoảng 2-6%.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn hơn nhiều.
Thế nên, bạn cần xác định SEO là khoản đầu tư cho dài hạn, không phải chi phí trong ngắn hạn.
Giai đoạn đầu, có thể các chiến dịch SEO có thể lên khoảng 15-20% doanh thu kỳ vọng, thậm chí lớn hơn nếu ngành cạnh tranh cao.
Note: Chi phí cho chiến dịch SEO ban đầu không nên tính gộp với các chi phí liên quan đến hệ thống như chi phí thiết kế website, hosting, domain, …
Note: Liên tục cân đối giữa Khối lượng công việc – Thời gian thực hiện – Nhân sự và Ngân sách để lên kế hoạch SEO khả thi nhất.
Note: Kế hoạch SEO mẫu Sao Kim đang xây dựng và đưa cho bạn tham khảo là File kế hoạch SEO 6 tháng. Còn áp dụng vào bạn thì căn cứ vào thời gian, nguồn lực của bạn mà thời gian thực thi sẽ khác.
Tóm lại một chút ở bước xác định mục tiêu SEO:
- Bạn cần xác định dung lượng bộ từ khóa giúp bạn đạt kết quả kinh doanh mong muốn
- Đi kèm với đó là thứ hạng mục tiêu của bộ từ khóa và các số liệu liên quan.
- Ngoài ra, trong quá trình xác định mục tiêu cũng giúp bạn xác định được chiến lược thực thi
- Bước đầu xác định được chi phí phân bổ cho SEO
Bước #2: Xác định bộ từ khóa
Lập kế hoạch SEO là công việc thực hiện xen lẫn giữa các bước, liên quan mật thiết với nhau, không phải thực hiện hết bước #1 mới đến bước #2.
Nhưng vì công việc khác nhau và cách thực hiện cũng khác nên bước xác định bộ từ khóa được tách riêng.
Note: Luôn tham chiếu với mục tiêu.
Có nhiều cách để bạn có thể xác định bộ từ khóa SEO.
Bước đầu tiên, bạn có thể viết ra danh sách 10 từ khóa và thuật ngữ liên quan đến sản phẩm và dịch vụ của bạn.
Sau đó sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa để tìm kiếm các từ liên quan cũng như các chỉ số cần thiết kèm theo.
Bạn có thể sử dụng các công cụ:
Google Keyword Planer
Google KeyWord Planner là công cụ có số liệu chính xác và quan trọng nhất (vì theo báo cáo của GS Statcounter, Google chiếm tới hơn 92% thị trường tìm kiếm). Và SEO cho Google thì đây bạn phải dựa vào số liệu của nó.
Ảnh minh họa công cụ Google Keyword Planner
Đối với công cụ này, bạn có thể xem chính xác số lần tìm kiếm trung bình trên tháng, mức độ cạnh tranh và giá thầu (quảng cáo)
Note: Để sử dụng được Google Keyword Planner thì bạn cần có tài khoản Google Ads. Ngoài ra, để xem được chính xác lượng tìm kiếm/ tháng thì cần có tiền trong tài khoản.
Để lọc từ khóa từ kết quả trên thì tương đối khó, vì Google sẽ gộp chung tất cả các gợi ý từ khóa với nhau.
Thế nên, để chọn các từ khóa liên quan dễ dàng hơn các SEOer thường sử dụng kết hợp các công cụ nghiên cứu từ khóa khác nữa.
Phổ biến nhất đó là…
Ahrefs
Ahrefs là một công cụ mạnh mẽ giúp nghiên cứu website, backlink và từ khóa. Nó cung cấp công cụ Keyword Explorer mà các SEOer rất yêu thích.
Bạn chỉ cần truy cập vào tính năng Keywords Explorer > Điền từ khóa > Chọn công cụ tìm kiếm > Chọn khu vực > Bấm search:
Công cụ Keywords Explorer của Ahrefs
Bấm tìm kiếm và có kết quả như sau:
Đây là chỉ số chung của 1 từ khóa, còn để tìm kiếm bộ từ khóa liên quan, sau đó chuyển sang danh mục Matching terms và Search Suggesstions:
Tiếp đó, bạn chỉ cần tải xuống (định dạng UTF-16 cho Excel) để tiến hành lọc từ khóa.
Công cụ Ahrefs này cần phải có tài khoản và đăng ký gói mới sử dụng được.
Tuy nhiên bạn muốn thực hiện và kiểm soát chiến dịch SEO hiệu quả thì khoản đầu tư này là xứng đáng.
TIP: Có một cách tiết kiệm chi phí hơn là mua chung tài khoản Ahrefs.
Có một công cụ khác nữa có thể giúp bạn nghiên cứu từ khóa dài rất tốt là…
Keyword Tool
Bởi vì từ khóa dài thường là những từ khóa cụ thể và định hướng nhu cầu sâu hơn nên loại từ khóa này rất quan trọng.
Ví dụ:
- Từ khóa “dịch vụ viết bài cho lĩnh vực xây dựng” có nhu cầu cụ thể hơn từ khóa “dịch vụ viết bài”
Tuy nhiên, từ khóa dài có lượng tìm kiếm ít do đó, có thể các công cụ ở trên không thống kê. Keyword Tool thì tập trung vào mục tiêu này nên cũng thường được các SEOer sử dụng.
Bạn chỉ cần nhập từ khóa > Chọn vị trí, ngôn ngữ > Network (Google) > Nhấn Lấy dữ liệu:
Sau đó, bạn nhận được kết quả:
Google Search
Bạn có thể sử dụng chính Google search để thực hiện tìm kiếm từ khóa tiềm năng. Ở đây bạn sẽ không thấy được lưu lượng tìm kiếm hay độ canh tranh, nhưng có một số thứ rất thú vị.
Đầu tiên, bạn có thể thấy Google đưa ra các gợi ý tìm kiếm ngay với từ khóa bạn gõ vào (Google Suggestion):
Từ khóa Goole gợi ý để giúp khách hàng hoàn thiện truy vấn nhanh hơn. Điều này cũng cho thấy rằng, Google dự đoán khách hàng có thể sẽ tìm kiếm các từ khóa này.
Điều quan trọng là: Google sẽ chuẩn bị sẵn các kết quả đối với các từ khóa gợi ý để người dùng có trải nghiệm tốt hơn.
Học được gì từ tính năng này: Nhờ tính năng này, chúng ta có thể dự đoán nhu cầu tìm kiếm của khách hàng, và chuẩn bị các nội dung đáp ứng các truy vấn tốt hơn.
Ngoài ra, ở dưới cùng bảng kết quả tìm kiếm, google sẽ đưa ra các từ khóa liên quan (hay còn gọi là từ khóa LSI)
Note: Từ khóa LSI là từ khóa được Google cho rằng có liên quan với từ khóa khách hàng đang tìm kiếm (có thể không chứa cả cụm từ khóa mà người dùng tìm kiếm)
Học được gì từ tính năng này: Nhờ tính năng này, chúng ta biết Google có thể xếp hạng tốt hơn cho nội dung nào thỏa mãn thêm các truy vấn này.
Sau khi có các từ khóa gợi ý, tiếp tục sử dụng các công cụ Keyword Planner và Ahref (hay Keyword Tool) để tìm các từ khóa liên quan và các chỉ số đi kèm.
Còn rất nhiều công cụ khác mà bạn có thể sử dụng để nghiên cứu từ khóa như:
- SEMRUSH
- Growthbar
- …
Tuy nhiên, sử dụng kết hợp các công cụ ở trên đã đủ cho mọi dự án. Nếu bạn có ngân sách tốt thì có thể đầu tư thêm.
Như vậy, đến lúc này bạn đã có thể tải xuống các bộ từ khóa.
Nhưng các bộ từ khóa này vẫn còn trùng lặp và chưa hoàn toàn phù hợp.
Vì thế, bạn cần một bước lọc từ khóa trong file excel nữa.
Công đoạn này là công đoạn tốn thời gian và quan trọng bởi lúc này bạn cần vận dụng kinh nghiệm, kiến thức và sự kiên nhẫn để chọn từng từ khóa tiềm năng trong hàng chục nghìn từ khóa tìm được.
Ở bước này bạn cần phân chia từ khóa chính, phụ và gộp bộ từ khóa liên quan để chuẩn bị cho xác định khối lượng công việc và xây dựng nội dung luôn.
Note: Để tìm đủ bộ từ khóa đáp ứng mục tiêu lượt tìm kiếm mong muốn cho ví dụ mẫu trên còn rất xa…
Ngoài ra, từ bộ từ khóa, cụm chủ đề bạn đã phân chia, bạn cũng có thể định hình sitemap cho website ngay từ bước này.
Note: Sitemap là sơ đồ của website. Nó vừa giúp bạn dễ hiểu phân luồng trong website vừa giúp Search Bot dễ thu tập thông tin hơn
Bước #3: Phân tích đối thủ
Sau khi đã có bộ từ khóa tiềm năng và phân nhóm từ khóa bây giờ là việc tiến hành phân tích đối thủ.
Chọn ra các chủ đề chính và tìm kiếm đối thủ cạnh tranh trên Google search.
Thông thường bạn nên nhắm đối thủ trong TOP3 – TOP1.
Đầu tiên, hãy ghé thăm từng để phân tích về chất lượng website, nội dung.
Sử dụng Google PageSpeed để phân tích các chỉ số kỹ thuật như:
- Tốc độ tải trang
- Thời gian phản hồi máy chủ
- First Contentful Paint (FCP)
- Largest Contentful Paint (LCP)
- …
Các chỉ số về website của bạn hiển thị màu xanh (đạt) là ổn. Hoặc có thể cao hơn đối thủ cũng là tạm ổn.
Ở công tác kiểm tra này, bạn có thể đánh giá nhanh đối thủ đang có đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ tốt hay không.
Sau đó bạn biết mình cần cải thiện, ít nhất là như thế nào để có được lợi thế so với đối thủ.
Dĩ nhiên, tối ưu đạt điểm kỹ thuật cao nhất thì tốt. Nếu không, chỉ cần test trải nghiệm trên PC và Mobile không quá chậm là ổn.
> Đầu tư ngay vào thiết kế website chuẩn SEO và tối ưu tốc độ để chiến dịch SEO của bạn đạt hiệu quả tốt hơn.
Tiếp đến, sử dụng Ahrefs để đánh giá các chỉ số cụ thể hơn, ví dụ: Với từ bộ từ khóa liên quan đến “Dịch vụ viết bài” và “Viết bài chuẩn SEO” tôi chọn được (chọn ở bước #2) khoảng 5 đối thủ top đầu và thấy các đối thủ này cũng có bộ từ khóa gần gần giống với tôi.
Do đó, tôi quyết định chọn 5 đối thủ này để phân tích.
Tôi sử dụng tính năng Batch Analysis để đánh giá ngay các chỉ số chính:
Khi bấm “Analysis” tôi có ngay bảng kết quả phân tích:
Tiếp đến, tôi tải kết quả xuống và thực hiện lọc bớt một chút dữ liệu không quan trọng:
Vì các chỉ số chỉ thể hiện tính tương đối và chưa nói lên chất lượng nên trước tiên, tôi tự mình vào từng website đối thủ để trải nghiệm, đánh giá chất lượng nội dung tôi nhận thấy một số điều như sau:
- Đối thủ #1 nội dung rất chất lượng và chuyên gia
- Đối thủ #2 và #3 chất lượng nội dung cũng ổn
- Đối thủ #4, #5 thì thiên về dịch vụ thiết kế website hơn nên cạnh tranh với bộ từ khóa sẽ không mạnh mẽ lắm.
Sau đó, quay lại bảng phân tích, tôi nhận thấy:
- Domain Rating là quan trọng nên tôi vẫn đặt mục tiêu thực hiện trên trung bình. Dẫn tới Ref Domains cũng vậy
- Đối thủ #5 mặc dù có số lượng Backlink đột biến nhưng Keywords và Traffic lại không cao. Dạo quanh xem backlink của nó tôi cũng nhận ra là backlink của nó không chất lượng lắm.
- Tuy nhiên, có thể giảm mục tiêu số lượng Backlink đi, còn khoảng 15.000 (hoặc thấp hơn nếu xây dựng backlink chất lượng hơn)
- Số lượng bài viết các đối thủ #2, #3, #6 (có bộ từ khóa gần giống) loanh quanh đâu đó tầm 200. Do dó tôi đặt mục tiêu bài viết là 300 (Sẽ giảm nếu bài viết chất lượng hơn)
Như vậy, tôi đã hình dung ra một số công việc cần làm sau khi phân tích đối thủ.
Tuy nhiên, để xác định cụ thể khối lượng công việc thì chưa, bởi ở đây mới là các chỉ số đánh giá tương đối và số liệu chưa hẳn đánh giá đúng hoàn toàn.
Do đó, dựa vào dữ liệu và kinh nghiệm để….
Bước #4: Xác định chiến lược SEO
Tại bước này, đầu tiên, cần phải hiểu sâu sắc về khách hàng tiềm năng của tôi bằng cách đọc lại bản chân dung khách hàng.
Dĩ nhiên, bản chân dụng khách hàng này nên được thực hiện từ trước khi bạn bắt đầu lập kế hoạch SEO.
> Bạn có thể xem thêm 5 Phương pháp nghiên cứu Khách hàng và Cách phỏng vấn khách hàng để tạo ra bản chân dung khách hàng đúng nhất.
Từ đó, có một vài điểm chính:
- Khách hàng mục tiêu của tôi quan tâm đến chất lượng
- Họ không có đủ thời gian để phát triển nội dung và muốn tìm kiếm một đơn vị giúp họ
- Họ quan tâm về chất lượng, kế hoạch thực hiện và chi phí hợp lý
Hơn nữa, dịch vụ mà Sao Kim nhắm đến là dịch vụ cung cấp bài viết, nội dung nên đây sẽ là key để tôi lựa chọn chiến lược SEO.
Có rất nhiều chiến lược SEO khác nhau, nhưng có một số chiến lược SEO phổ biến như sau:
Chiến lược SEO #1: Tập trung vào nội dung
Chiến lược SEO tập trung vào nội dung là chiến lược trong đó, tất cả những hành động của bạn chủ yếu xoay quanh việc xây dựng nội dung có giá trị, chuẩn SEO trên website chính (hoặc webiste vệ tinh)
Chiến lược này không quan tâm đến số lượng mà đề cao “Chất lượng”.
Một số thủ thuật bạn có thể áp dụng trong chiến lược SEO này như sau:
- Viết bài viết chất lượng nội dung tốt, chuyên môn cao
- Cải tiến nội dung thường xuyên, liên tục
- Triển khai nội dung theo cụm chủ đề theo chiều sâu
- Mở rộng nội dung theo chiều ngang trong khi vẫn đảm bảo chất lượng từng bài viết
- Tối ưu internal link trong website bằng các Call to Action mạnh mẽ
- Tối ưu Feature Snippet theo (tham khảo cách làm trên Backlinko)
Tham khảo ngay:
- Cách Viết bài chuẩn SEO để cạnh tranh trên trang #1 của Google và thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi
- Cách làm content marketing mang lại kết quả X2.
- Cách làm Email marketing hiệu quả (dành cho nhà quản lý)
Chiến lược SEO #2: Tập trung vào Offpage
Chiến lược SEO tập trung Offpage là chiến lược SEO thực hiện xây dựng hệ thống backlink, nội dung PR, giới thiệu chủ yếu trên các website vệ tinh, đối tác, social … Website chính chỉ có các nội dung dịch vụ và một số nội dung cơ bản.
Chiến lược này tập trung vào “Số lượng” và sự đa dạng.
Tuy nhiên, nếu nâng “chất lượng” thì cũng có thể giảm “số lượng” đáng kể.
Một số thủ thuật bạn có thể áp dụng trong chiến lược SEO này như sau:
- Viết bài và đặt Backlink trên website vệ tinh
- Xây dựng hệ thống Baclink nhiều tầng (Ví dụ: Backlink forum trỏ về website vệ tinh, rồi website vệ tinh mới trỏ về website chính)
- PR Báo chí (có ngân sách thì nên thực hiện)
- Mua Backlink (chỉ chọn domain tốt và rất hạn chế để giảm rủi ro)
- Mua Guestpost (chỉ nên sử dụng các site chất lượng ổn định, liên quan)
- Xây dựng hệ thống Blogspot, WordPress (cần bài viết chất lượng ổn)
- Social Media: Chia sẻ link trên các mạng xã hội
Chiến lược SEO #3: Tăng uy tín website
Chiến lược SEO tăng uy tín cho Website được hiểu như là xây dựng một thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên internet.
Thương hiệu nổi tiếng trên internet là gì?
Môi trường internet cũng giống như môi trường thực tế. Và các khái niệm ở ngoài thực tế cũng được Google áp dụng để thiết kế cách tính điểm xếp hạng của họ.
Một thương hiệu nổi tiếng ở ngoài thực tế là một thương hiệu xây dựng được nhận thức thương hiệu mạnh, họ được nhiều người biết đến với thông tin cụ thể, rõ ràng, dễ dàng tìm kiếm ở mọi nơi, hoạt động tích cực và nhận lại sự tương tác đông đảo của khách hàng.
Một thương hiệu nổi tiếng ở trên internet cũng vậy.
Note: Đây là khái niệm về xây dựng, xác minh thực thể trên môi trường số (Entity). Bạn có thể Google nó để tìm hiểu rõ ràng hơn
Một số thủ thuật bạn có thể áp dụng trong chiến lược SEO này như sau:
- Xây dựng hệ thống tài khoản MXH với thông tin, hình ảnh, hashtag đồng nhất (Đảm bảo google index chúng thành công) và đăng tải nội dung thường xuyên trên các tài khoản MXH chính
- Tự động hóa đăng bài trên các trang khác bằng công cụ như: IFTTT, Buffer
- Thực hiện khai báo nội dung có cấu trúc (Xem hướng dẫn của Google về Schema)
- Triển khai các chiến dịch truyền thông thương hiệu -> Tạo lượng tìm kiếm tên thương hiệu, website trực tiếp. Để tốt nhất bạn nên có một domain với tên thương hiệu độc đáo (tham khảo ngay cách đặt tên thương hiệu)
Note: Trong nhiều trường hợp, phần này có thể gộp chung vào phần Offpage. Trong bản kế hoạch SEO mẫu đã có sẵn hơn 300 site bạn có thể sử dụng để xây dựng Entity
Còn rất nhiều chiến lược và những việc có thể làm khác nhưng follow 3 chiến lược chính này tôi nghĩ đã đủ cho hầu hết dự án SEO.
Note: Ở bước này bạn cũng sẽ lựa chọn Mô hình SEO, Mô hình xây dựng Backlink (Cụ thể Sao Kim xin được chia sẻ ở một bài viết khác)
Dĩ nhiên SEO không phải là chỉ thực hiện chỉ 1 loại chiến lược.
Mà cần phối hợp các chiến lược để đạt hiệu quả cao nhất.
Chỉ là bạn có thể phân bổ nguồn lực khác nhau giữa các chiến lược SEO.
Và đảm bảo rằng sức mạnh từ các công việc bạn tập trung thực hiện có thể bù đắp được sự thiếu hụt do những thứ bạn ít tập trung.
Ở đây, bởi vì đối tượng khách hàng ban đầu (theo bản chân dung khách hàng ở trên) tôi chọn yêu cầu nhiều hơn về nội dung chất lượng nên tôi có thể chọn chiến lược như sau:
- 60% Nguồn lực tập trung vào nội dung (Tính tất cả bài viết, cả bài trên site vệ tinh, bài dành cho PR, bài để đăng Guest Post)
- 20% Nguồn lực triển khai Tăng uy tín website
- 20% Nguồn lực còn lại dành cho triển khai Offpage (Một số vấn đề kỹ thuật, thuê ngoài thực hiện link, chi phí đăng)
Bạn thì sao?
Đã xác định xong chưa?
Nếu đã xong, chúng ta có thể đi đến bước tiếp theo…
Bước #5: Xác định khối lượng công việc
Như vậy, đến bước này, chúng ta đã có:
- Mục tiêu SEO
- Bộ từ khóa (có dung lượng tìm kiếm và được phân nhóm cụ thể)
- Các chỉ số cơ bản cần đạt và số lượng nội dung, backlink cần triển khai
- Chiến lược SEO
Từ mục tiêu SEO, chúng ta đã có bộ từ khóa cần phải đẩy thứ hạng.
Và cũng từ bộ từ khóa mà chúng ta xác định được các chỉ số cơ bản cần đạt để vượt lên trên đối thủ.
Thêm nữa, quyết định chiến lược SEO cho thấy cách bạn quyết định số lượng, phân bổ nguồn lực.
Do đó, đến thời điểm này, về cơ bản bạn đã có các con số cần thiết để xác định khối lượng công việc cần triển khai.
Giả sử bạn chưa có website, thế nên trong trường hợp này bạn cần liệt kê cả các công việc chuẩn bị một website để bắt đầu SEO (thậm chí cả các website vệ tinh).
Note: Website vệ tinh bạn chỉ cần có thể đăng bài viết. Sử dụng bất cứ template chuẩn SEO nào
Nếu bạn đã thực hiện tốt các phần trên thì ở đây bạn sẽ nhanh chóng hoàn thiện đầu mục công việc thôi.
Note: Nếu bạn không có ngân sách để thuê ngoài, bạn hoàn toàn có thể tự làm tất cả, chỉ có điều thời gian sẽ chậm hơn mà thôi.
Vì giả sử thiết lập kế hoạch SEO website từ con số 0 nên kế hoạch sẽ khác so với kế hoạch SEO cho một website cũ (đã có vị trí nhất định)
Ở thời điểm này, website chưa có gì cả (thậm chí còn chưa thiết kế, code)
Trong kế hoạch SEO mẫu này, Có 1 điểm khó đó là:
Làm thế nào để triển khai được số lượng lớn Backlink?
Bạn không thể viết từng bài viết và đặt Backlink được.
Chìa khóa ở đây là:
- Xây dựng một số lượng nội dung ổn định, đủ dầy trên website và vệ tinh trong vòng 2-3 tháng.
- Xây dựng website vệ tinh nhiều hơn để đặt Backlink chất lượng, Banner,…
- Lấy chất lượng bù số lượng
- Sử dụng thêm dịch vụ thuê ngoài sau khi đã có một lượng nội dung, backlink chất lượng.
- Triển khai Entity cũng là xây dựng backlink (dạng Backlink Profile)
Điểm quan trọng: Đảm bảo backlink đều được index trên Google (sử dụng các công cụ hỗ trợ index). Và luôn ưu tiên chất lượng hơn số lượng.
Note: Kế hoạch SEO đây chưa tích hợp với Kế hoạch Marketing tổng thể. Và bạn cần phân bổ công việc cụ thể ra cho từng thành viên (Cân đối thêm nhân sự Inhouse và Thuê ngoài)
Xem ngay:
- Cách xây dựng Kế hoạch Marketing nếu bạn chưa biết.
- Kế hoạch Digital Marketing (bao gồm 25 mẫu chi tiết)
- Mẫu kế hoạch ngân sách marketing (dành cho nhà quản lý)
Bước #6: Thiết kế Website
Sau khi đã có bản kế hoạch sơ bộ thì đã đến lúc thiết kế website để phục vụ kế hoạch SEO.
Tại sao đến bước này mới thiết kế website mà không phải thiết kế website trước rồi mới xây dựng kế hoạch SEO?
Bởi vì, thiết kế website sau để phù hợp nhất với mục đích SEO, chiến lược SEO của bạn.
Về thiết kế website có rất nhiều thứ phải nhắc đến Tuy nhiên, có một vài điểm lưu ý để bạn làm việc tốt hơn với đơn vị thiết kế web (hoặc team DEV của bạn)
- Đầu tiên, thiết kế website tập trung hỗ trợ gia tăng Chuyển đổi
- Website dễ sử dụng (cho dù người xem là 50 tuổi hay dưới 10 tuổi)
- Đảm bảo khả năng dễ đọc cả cho Search Bot và con người
- Đảm bảo tính UI/ UX
- Đảm bảo tính Khả dụng (Usability) (Xem ngay: Usability là gì?)
- Đảm bảo thân thiện với thiết bị di động (Thiết kế Responsive)
- Tốc độ load tốt trên di động (Mobile >80/100)
- Website hỗ trợ cấu hình SEO (Title, URL, Meta Description, Alt Tag,…)
- URL thân thiện (Ví dụ: domain.com/tieu-de-bai-viet hoặc domain.com/ten-danh-muc/tieu-de-bai-viet)
- Hỗ trợ tạo các chuyên mục động để có thể SEO chuyên mục
- Hỗ trợ cài đặt các mã tracking (Google Tag Manager, Analytics, Search Console, Hotjar, Live Chat…)
- Thiết kế trang quản trị tốt để hỗ trợ team triển khai công việc
- …
Còn rất nhiều lưu ý khi thiết kế Website cả về tính năng sử dụng và khả năng truyền thông, nhận diện thương hiệu khác nữa…
Note: Hầu hết các đơn vị thiết kế website trên thị trường đều đảm bảo thiết kế website chuẩn SEO. Nhưng tính UX, nhận diện thương hiệu, truyền thông thì chỉ những đơn vị chuyên nghiệp như Sao Kim mới có thể giúp bạn.
Website cực kỳ độc đáo, khác biệt liệu có hiệu quả không?
Câu trả lời chính xác phụ thuộc khách hàng của bạn là ai.
Thông thường Khách hàng sẽ sử dụng hiểu biết và trải nghiệm sẵn có để sử dụng website. Họ lười học thứ mới.
Do đó, nếu có thiết kế website khác biệt, hãy chỉ khác biệt tối đa trong 30% tổng thể (và thật tinh tế). 70% còn lại nên là những thiết kế, tính năng phổ biến mà mọi người quen thuộc.
Bước #7: Xây dựng Service Page
Bởi vì mọi nguồn traffic đều sẽ đổ về traffic và tạo ra Lead nên phần này xứng đáng được đầu tư thời gian, công sức.
Nếu xây dựng Service Page tốt thì chỉ cần đổ traffic quảng cáo vào đây bạn sẽ đã thấy được hiệu quả ngay lập tức.
Note: Dĩ nhiên, để bán được hàng thì không phải chỉ thiết kế Service Page (landing page) là đủ
Xây dựng Service Page tốt là cả một nghệ thuật thiết kế và nghệ thuật bán hàng.
Do đó, cụ thể Sao Kim sẽ không thể giúp bạn được.
Nhưng có một số checklist bạn có thể follow theo trình tự từ đầu trang đến cuối trang trong xây dựng Service Page:
- Tiêu đề trang và Mô tả nội dung trang ngắn gọn
- Tập trung từ khóa mục tiêu
- Thông tin trực quan, ngắn gọn thể hiện sự uy tín
- Tiêu đề và Tiêu đề phụ có ý nghĩa giữa các phần nội dung khác nhau
- Các phần tiếp theo thúc đẩy theo hành trình mua hàng
- Sử dụng các bố cục hiệu quả (F, Z pattern …)
- Sử dụng các đoạn mô tả ngắn, nhiều định dạng dễ đọc
- Lời chứng thực từ khách hàng khác (Testimonials hoặc comment…)
- Hình ảnh minh họa mạnh mẽ, có ý nghĩa rõ ràng
- Hình ảnh tự nhiên về con người, đội ngũ (không phải hình ảnh có chủ đích sắp xếp rõ ràng)
- Con số thống kê về dữ liệu doanh nghiệp hoặc giá trị bạn giúp tăng chuyển đổi
- Hệ thống phân cấp trực quan, dòng chảy nội dung đơn giản
- Đủ độ sâu, chi tiết và thông thường là trên 800 từ
- Lời kêu gọi hành động hấp dẫn, tập trung 1 Call-to-Action (hoặc tối đa 2 loại CTA: Điền form tư vấn, Gọi hotline tư vấn)
Và xem xét một số thứ nên loại bỏ:
- Slideshow
- Chia sẻ mạng xã hội
Bước #8: Kế hoạch xây dựng nội dung Blog
Nội dung Blog ở đây chỉ chung là các nội dung bài viết bao gồm, bài viết SEO từ khóa, bài viết trên trang vệ tinh.
Bài viết SEO từ khóa
Bạn đã có được bộ từ khóa cần SEO ở bước 2. Cố gắng gộp nhóm các từ khóa thành các chủ đề chính chia đều (ví dụ chia vào khoảng 300 bài viết).
Sau đó các chủ đề nhỏ hơn, cụ thể hơn có thể triển khai ở bài viết trên webiste vệ tinh.
Checklist viết bài SEO từ khóa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng thứ hạng từ khóa tốt, Sao Kim cũng sẽ chia sẻ trong file kế hoạch SEO mẫu. Bạn có thể tải và đọc chi tiết hơn.
Nếu bạn là một người làm kế hoạch, cụ thể viết bài thế nào bạn có thể không cần nắm, nhưng bạn cần biết được các từ khóa chính đang được giải quyết bởi những bài viết nào và có bao nhiêu bài viết sẽ hỗ trợ thúc đẩy các từ khóa đó.
Các bài viết SEO trong giai đoạn đầu triển khai cần được thực hiện đều đặn và nhanh chóng. Sau đó, khi các công cụ tìm kiếm bắt đầu index và xếp hạng nhất định, bạn cần phải TỐI ƯU BÀI VIẾT.
Việc này rất quan trọng để bài viết SEO của bạn có thể đạt thứ hạng cao hơn.
Bởi vì, lần xếp hạng đầu tiên bao giờ cũng không cao. Tối ưu nội dung là cách dễ nhất để đẩy thứ hạng cao hơn.
Có rất nhiều công cụ bên thứ 3 giúp bạn theo dõi, tối ưu nội dung, Sao Kim thì vận dụng 3 công cụ phổ biến nhất:
- Cài đặt Google Analytics: Để theo dõi toàn bộ chỉ số đo lường trên website, tỷ lệ click internal link…
- Ahrefs: Sử dụng để đo lường các chỉ số chính và tối ưu bài viết theo từ khóa tự nhiên
- Hotjar: Sử dụng để phát hiện các điểm Nóng – Lạnh trên bài viết, landing page để biết cần tối ưu thêm ở đâu
Note: Checklist SEO chi tiết Sao Kim đã chia sẻ trong bản kế hoạch Excel mẫu
Bài viết vệ tinh
Bài viết vệ tinh cũng tương tự bài viết SEO từ khóa, nhưng bạn có thể giảm chất lượng đi khoảng 30%.
Những bài viết này cần giải quyết các từ khóa liên quan, cụ thể hơn các bài viết trên website chính.
Bạn có thể sử dụng bộ từ khóa chính để tìm kiếm từ khóa liên quan, đuôi dài để viết những bài này. Mục đích chủ yếu là để tạo backlink về các bài viết SEO chính và bài viết Dịch vụ.
Do bài viết vệ tinh bạn có thể kiểm soát hoàn toàn nên chỉ cần chất lượng ổn định, bạn có thể chỉnh số lượng Backlink phù hợp (Thông thường là 2 Backlink/ 1 bài viết, tuy nhiên, nhiều hơn cũng không có vấn đề lớn)
Về cơ bản, website vệ tinh có khoảng 30 bài viết và index được một thời gian là bạn có thể bắt đầu quay lại chỉnh sửa, đặt backlink. Sau đó Ping Index lại.
Note: Ping Index bằng Google Search Console, Cốc Cốc Submit hoặc các công cụ hỗ trợ bên thứ 3 khác
Bước #9: Kế hoạch Xây dựng Backlink
Như trong bước lựa chọn Chiến lược SEO, bạn đã biết về các cách xây dựng backink. Về cụ thể xây dựng backlink trên những trang nào, từng bước thực hiện ra sao thì Sao Kim sẽ không nói chi tiết ở bài viết này.
Số lượng Backink thì Sao Kim cũng đã giúp bạn tính toán trong bước Xác định khối lượng công việc ở trên.
Khi bạn đã biết số lượng, đã chọn cách xây dựng Backlink thì có một số lưu ý như sau:
- Chỉ bắt đầu xây dựng Backlink khi nội dung website đã xây dựng (có trang nhận backlink)
- Tập trung xây dựng Baclink chất lượng trước như Backlink từ website vệ tinh (song song với xây dựng Entity)
- Xây dựng backlink không nên quá nhanh, chỉ cần đảm bảo tăng trưởng đều đặn
- Tránh mất backlink (bị xóa, bị gỡ do hết hạn …)
- Nội dung triển khai xây dựng Backlink cũng phải là bài viết chuẩn SEO (có thể giảm chất lượng xuống tối đa 50%)
- Đảm bảo backlink được các công cụ tìm kiếm index
- Backlink không được bọc bằng nội dung chất lượng thì không bao giờ được trỏ về website chính
- Không đặt backlink trên những trang không liên quan đến lĩnh vực của bạn.
Các kỹ thuật xây dựng Backlink bạn tìm kiếm được trên Google có thể khác nhau, nhưng cốt lõi là giống nhau.
Chỉ cần nắm được các lưu ý ở trên Sao Kim tin rằng bạn sẽ xây dựng được hệ thống backlink mạnh mẽ.
Xây dựng Baclink là một quá trình dài và nhiều thách thức, do đó ngoài các nỗ lực trong team của bạn thì bạn có thể thuê bên ngoài thực hiện hỗ trợ để đạt kết quả nhanh chóng.
Note: Backlink chất lượng thì giá cao. Backlink giá rẻ thì rủi ro.
Bước #10: Triển khai, đo lường kết quả và tối ưu
Không có kế hoạch nào đúng 100% từ đầu.
Kinh nghiệm cũng chỉ giúp bạn có được những bước đi bớt sai lầm hơn. Còn việc triển khai kế hoạch đạt mục tiêu thì phải dựa vào đo lường kết quả thực tế và liên tục tối ưu, triển khai các giải pháp hỗ trợ khác.
Sao Kim có thể chia sẻ với bạn kế hoạch SEO mẫu chi tiết để bạn có thể làm được kế hoạch SEO của riêng bạn.
Tuy nhiên, để thực thi được kế hoạch SEO thành công thì phải có người triển khai linh hoạt.
Số lượng và số liệu có thể thay đổi theo thời gian, bởi vì đối thủ của bạn cũng đang SEO.
Ngoài ra, chất lượng triển khai không tốt, sẽ phải tăng số lượng.
Vì thế, đảm bảo rằng bạn luôn theo dõi, đo lường những số liệu giá trị để tiến hành cải tiến SEO.
Google cung cấp cho chúng ta 3 công cụ đo lường hiệu quả website:
- Google Search Console
- Google Analytics
- Google Tag manager
- Và cả công cụ báo cáo, trực quan hóa dữ liệu Google Data Studio nữa.
Nói chung, việc theo dõi thường xuyên và cải tiến liên tục trong quá trình triển khai SEO mới là công việc quan trọng mà các nhà quản lý, SEO Manager phải làm.
Một khi website của bạn bắt đầu SEO, hãy tiến hành thu thập ngay các nhóm đối tượng mục tiêu để chuyển dữ liệu đó sang quảng cáo, Re-MKT để follow-up khách hàng.
Kỹ thuật cài đặt thu thập đối tượng thì rất nhiều nhưng bạn có thể sử dụng nguyên lý sau:
Thu thập, nhóm đối tượng hoàn thành mục tiêu từ đơn giản đến phức tạp
Ví dụ:
- Mục tiêu #1: Đối tượng đã xem trang liên quan đến “Bài viết SEO” trên 30s
- Mục tiêu #2: Đối tượng đã xem trang liên quan đến “Bài viết SEO” trên 90s
- Mục tiêu #3: Đối tượng đã xem trang Dịch vụ trên 30s
- Mục tiêu #4: Đối tượng đã hoàn thành form đăng ký (hành vi điền form > gửi > sau được dẫn đến trang domain.com/thank-you. Đây là mục tiêu trang đích dễ cài đặt và được sử dụng phổ biến nhất)
- Mục tiêu #5: Đối tượng đã Click nút Holine (trên Mobile)
Từ đó, những users “Đã xem” nhưng chưa “Mua hàng” sẽ bước sang bước tiếp theo trên hành trình mua hàng.
Tóm lại, việc theo dõi, đo lường và tối ưu là công việc bạn cần thực hiện hàng ngày, hàng tuần để ứng phó với sự thay đổi, biến động nhằm đạt mục tiêu cuối cùng.
Kế hoạch SEO ban đầu chỉ để bạn có mục tiêu và định hướng. Không phải là kế hoạch hành động chi tiết từ đầu đến cuối.
5. Tải File Kế Hoạch SEO mẫu
Và đây là phần mà Sao Kim muốn chia sẻ cho bạn! Tải xuống file kế hoạch SEO mẫu và vận dụng ngay để lập kế hoạch SEO cho dự án của bạn.
Vui lòng kiểm tra email sau vài phút để nhận tài liệu. Cảm ơn bạn!
> Nếu bạn cần một đơn vị hỗ trợ triển khai kế hoạch SEO, hãy tham khảo ngay DỊCH VỤ SEO TỔNG THỂ của Sao Kim, hoặc liên hệ qua Hotline 0964.699.499 để được tư vấn cụ thể hơn.
6. Xu hướng SEO 2024+
Một số xu hướng SEO 2024+ có thể bạn nên chú ý để không bị đối thủ bỏ lại đằng sau.
AI được phổ cập dẫn tới việc sản xuất nội dung đã bước lên một tầm cao mới. Nội dung thuần text chỉ bao gồm những kiến thức tổng hợp từ nội dung đã có sẵn trên internet sẽ không còn hiệu quả. Thay vào đó bạn nên khai thác thêm:
- Nội dung giải quyết chính xác nhu cầu tìm kiếm vẫn là ưu tiên. Nhưng cần đặt trong bối cảnh mới
- Nội dung giúp ứng dụng AI để gia tăng năng suất đối với ngành nghề mục tiêu của bạn đang hướng tới
- Thêm video cá nhân hóa (nhất là video đăng tải trên Youtube)
- Thêm trải nghiệm hoặc kinh nghiệm của chuyên gia thực thế (Nên liên kết trực tiếp với Profile của họ)
- Các tài liệu mang tính cập nhật
- Biểu mẫu, kế hoạch
- Các công cụ miễn phí
- Thêm Audio (Text to Speech)
- Thiết lập Automation Email MKT, Newslletters
NOTE: Tuy nhiên, cũng đừng quá lo lắng về AI, hãy luôn tập trung vào người dùng.
7. Tổng kết về Kế hoạch SEO mẫu
Như vậy, qua bài chia sẻ này, Sao Kim đã giúp bạn hiểu tổng quan toàn bộ các bước xây dựng được kế hoạch SEO ban đầu cho website của bạn. Hi vọng rằng bạn có thể áp dụng theo nhu cầu cụ thể dựa trên mẫu kế hoạch SEO do Sao Kim tạo ra.
Chia sẻ bài viết nếu bạn cảm thấy hữu ích nhé.
Follow các bài viết chất lượng của Sao Kim tại:
Blog Sao Kim, Cẩm Nang Sao Kim
Facebook: Sao Kim Branding
Case study Behance: Sao Kim Branding
#SaoKim #SaoKimBranding #KeHoachSEO #SEO #MauKeHoachSEO